Theo bà Hoàng Thị Phương Thảo, Trưởng phòng GD&ĐT TP Vinh, khi thực hiện các mô hình trên, trường có thuận lợi là được ngành hướng dẫn, hỗ trợ trong xây dựng chương trình nhà trường, tầm nhìn chiến lược và có lộ trình cụ thể để triển khai các kế hoạch, mục tiêu đề ra.
Đơn vị tạo được phương pháp giảng dạy mới trong các nhà trường, phát huy tính tích cực và năng khiếu, sở trường của học sinh. Từ kết quả của Trường THCS Đặng Thai Mai đã dẫn dắt, thúc đẩy các trường THCS khác trên địa bàn thành phố Vinh. Tuy không nhân rộng hoàn toàn mô hình, nhưng chọn lọc các chương trình tăng cường phù hợp như: Tiếng Anh tăng cường, Tin học, STEM…
Học sinh Trường THPT chuyên Phan Bội Châu giành nhiều huy chương từ các cuộc thi Oympic quốc tế. |
Chất lượng giáo dục toàn diện từng bước được nâng lên ở cả vùng cao và vùng thuận lợi là điều thấy rõ ở Lào Cai sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 29. Có được kết quả trên nhờ Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Lào Cai đã ban hành 212 văn bản để cụ thể hoá Nghị quyết 29 và các văn bản chỉ đạo của Trung ương về thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT.
Tỉnh hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi vào năm 2013 (sớm trước 2 năm so với quy định). Tính đến tháng 6/2023, tỉnh tiếp tục duy trì phổ cập giáo dục trẻ mầm non 5 tuổi ở 152 xã và 9 huyện, thị, thành phố; 67 xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non trẻ 4 tuổi.
Lào Cai cũng chú trọng phát triển, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên. Trong 10 năm gần đây, tỉnh tuyển 3.730 giáo viên. Trên 3.260 nhà giáo được tham gia chương trình đào tạo nâng cao trình độ. Hơn 1.100 lượt thầy cô được cử đi bồi dưỡng tiếng Anh ở trong và ngoài nước…
Nhờ đó, chất lượng giáo dục toàn diện được nâng lên. Bồi dưỡng học sinh giỏi, học sinh năng khiếu chuyển biến mạnh mẽ. Tỷ lệ đi học/số dân và chuyên cần cao. Kết quả thi tốt nghiệp THPT thuộc tốp đầu trong vùng và nâng dần thứ tự xếp hạng so với cả nước.
Chất lượng, hiệu quả giáo dục cho học sinh dân tộc thiểu số tiếp tục có chuyển biến toàn diện, vững chắc. Giáo dục dân tộc gắn với giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa thông qua hoạt động dạy múa hát, phục dựng lễ hội, mặc trang phục, dệt thổ cẩm… Qua đó thay đổi tập quán, phong tục lạc hậu, phổ biến được kiến thức cơ bản về xoá đói, giảm nghèo.
Bên cạnh kết quả đạt được, giáo dục Lào Cai vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Tình trạng thừa, thiếu cục bộ giáo viên chưa được giải quyết hiệu quả; có thời điểm giáo viên xin nghỉ việc nhiều; chất lượng giáo dục đại trà có lúc chưa đáp ứng yêu cầu, còn có học sinh tiểu học hạn chế về tiếng Việt; công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý, dạy và học thiếu đồng bộ, hiệu quả chưa cao…
Cùng với đó, một số trường học có quy mô nhỏ dưới 200 học sinh chưa sáp nhập. Công tác phân luồng chưa phát huy hiệu quả, còn 17% học sinh sau tốt nghiệp THCS và khoảng 20% học sinh sau tốt nghiệp THPT nghỉ học lao động trực tiếp. Vẫn còn giáo viên chưa tâm huyết, nhiệt tình trong giảng dạy, hạn chế về năng lực chuyên môn…
Trước những thách thức đó, tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29, ông Đặng Xuân Phong - Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai nhấn mạnh quan điểm của địa phương: “Giáo dục là quốc sách. Giáo dục và đào tạo phải đi trước, các mục tiêu đạt sớm hơn so với mục tiêu chung của tỉnh”.
Đến năm 2025, giáo dục vùng cao Lào Cai là một trong các tỉnh đứng tốp đầu cả nước. Tin học - Ngoại ngữ đạt mức trung bình cả nước. Đến năm 2030, chất lượng giáo dục đứng tốp đầu các tỉnh miền núi phía Bắc.
Để hoàn thành mục tiêu trên, Lào Cai phấn đấu tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia đạt 68%. Số thanh niên trong độ tuổi đạt trình độ giáo dục THPT và tương đương là 80%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70%, trong đó tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ ở mức 32%. Tỷ lệ thất nghiệp dưới 1,2%…
Theo Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai, để nâng cao hiệu quả đổi mới giáo dục, trong thời gian tới, tỉnh cần tiếp tục tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm như: Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục bắt đầu từ đổi mới con người; chú trọng đổi mới cách quản lý giáo dục, cách dạy, cách học phù hợp với thực tiễn; đổi mới giáo dục gắn với hội nhập quốc tế, đào tạo công dân toàn cầu.
Trong đổi mới giáo dục cần chú trọng dạy thật, học thật, đánh giá thật. Đổi mới giáo dục phải giúp học sinh phát triển toàn diện từ trí tuệ, nhân cách, kỹ năng, sức khỏe để đáp ứng yêu cầu của xã hội hiện đại.
Tại Nghệ An, dù đã có những nỗ lực nhưng theo ông Thái Văn Thành - Giám đốc Sở GD&ĐT, phải thẳng thắn nhìn vào những tồn tại, hạn chế như chất lượng giáo dục chưa thực sự là động lực bứt phá, là nguồn lực cạnh tranh của tỉnh trong phát triển kinh tế, xã hội; có mặt chưa đáp ứng được yêu cầu và nguyện vọng của nhân dân và thị trường lao động.
Thời gian tới, ngành tiếp tục tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND ban hành các đề án, chính sách để quán triệt các nghị quyết của Trung ương vào thực tiễn. Trong đó có chính sách đặc thù của tỉnh dành cho giáo dục, nhất là vùng núi cao và học sinh dân tộc thiểu số.
Đồng thời, rà soát lại hệ thống trường lớp, dồn dịch các điểm trường để xây dựng trường đồng bộ, khang trang, hiện đại.
Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai Đặng Xuân Phong nhấn mạnh: “Nhiệm vụ đặt ra cho lĩnh vực GD&ĐT trong thời gian tới rất quan trọng. Sự theo dõi, kỳ vọng của xã hội đối với GD&ĐT là không nhỏ. Yêu cầu phải đổi mới mạnh mẽ, toàn diện để đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững.
Bên cạnh đó, ngành cần làm tốt công tác tham mưu cho tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp để tạo động lực thúc đẩy sự nghiệp GD&ĐT có thêm những bước tiến mới”.