Vì thế, bài học "xương máu" được rút ra là trong kinh doanh quốc tế, vai trò của môi giới rất quan trọng nhưng đồng thời doanh nghiệp cần có sự kiểm tra đối tác một cách độc lập, thận trọng.
“Ở đây, vai trò của Hiệp hội và Thương vụ tại nước sở tại là rất quan trọng. Bên cạnh đó, cần cảnh giác với các dấu hiệu bất thường từ đối tác, mặc dù kẻ lừa đảo thường dùng các thủ đoạn rất tinh vi. Đồng thời, các doanh nghiệp nên dùng phương thức thanh toán an toàn hơn và nên trao đổi thông tin với đồng nghiệp để phát hiện dấu hiệu lừa đảo”, ông Nhựt khuyến cáo.
Ông Nhựt cũng cho biết thêm, muốn kinh doanh quốc tế an toàn, trước tiên doanh nghiệp phải tự hoàn chỉnh mình, có nhân lực tốt, bộ máy tốt, hệ thống quản trị rủi ro tốt.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp phải có mạng lưới thông tin, thường xuyên liên hệ với các cơ quan thương vụ Việt Nam và các tổ chức hỗ trợ, dịch vụ pháp lý chuyên nghiệp trong sử dụng các dịch vụ pháp lý.
“Làm ăn thuận lợi phải tính khi rủi ro. Sự an toàn, tin cậy luôn cần phải trả bằng chi phí. Đây là điều tưởng như hiển nhiên, đơn giản nhưng không phải doanh nghiệp nào ở Việt Nam cũng thực hiện được”, ông Nhựt cho biết.
Trước đó, hồi tháng 4/2023, một doanh nghiệp thuộc Vinacas đã bị Hải quan Cảng Mostaganem, Algeria bán đấu giá 5 container hạt điều công ty xuất khẩu mà không được thông báo. Tổng giá trị lô hàng khoảng 466.900 USD (gần 11 tỷ đồng). Nguyên nhân, khách hàng của công ty Việt Nam là Công ty Eurl ATS Food (Algeria) không thể làm thủ tục thông quan do công ty này đã bị Bộ Thương mại Algeria đưa vào danh sách các doanh nghiệp gian lận thương mại từ tháng 6/2022.
Tháng 3/2022, 5 doanh nghiệp xuất khẩu điều Việt Nam cũng mất quyền kiểm soát 36 container hàng, giá trị hơn 7 triệu USD, với 36 bộ chứng từ gốc đi kèm tại cảng Ý.