Trước đây chúng ta đã học được một câu nói: "Khiêm tốn làm cho người tiến bộ".
Một người khiêm tốn có thể bình tĩnh nhìn nhận khuyết điểm của mình, chấp nhận những lời chỉ trích của người khác với tinh thần cởi mở và có thể sửa chữa từng chút một để bản thân tốt hơn.
Nhưng một số trẻ đặc biệt nhạy cảm và có lòng tự trọng rất cao, chúng không thể chịu đựng được những lời nói xấu của người khác về mình. Chỉ cần có người chỉ ra lỗi lầm, chúng sẽ tức giận ngay lập tức.
Loại tính cách này dễ dàng khiến người ta kiêu ngạo và tự tin một cách mù quáng.
Từ nhỏ đến khi trưởng thành, ai cũng sẽ mắc sai lầm và vấp ngã. Nếu như trẻ dám đối mặt với thái độ đúng đắn thì chắc chắn tương lai trẻ sẽ là người dũng cảm, thành công.
Ngược lại, nếu cứ giữ vững quan điểm của mình một cách bảo thủ, cho rằng ta đây thông minh hơn người, không lắng nghe những góp ý khác nhau thì khi lớn lên sẽ không có đủ dũng khí để đối mặt với những thất bại và có thể sẽ không thể đứng dậy khi gặp phải một cú sốc lớn.
Tất nhiên, nguyên nhân khiến trẻ có phản ứng như vậy có thể liên quan đến nền giáo dục của gia đình. Nếu bố mẹ luôn tâng bốc con thái quá thì trẻ sẽ tự cao quá đà, dần tạo nên vỏ bọc "thông minh giả tạo".
Thích thể hiện
Một số trẻ khi đạt được một thành tích dù lớn hay nhỏ đều thích khoe khoang khắp nơi vì sợ người khác không biết mình đã đạt được thành tích gì.
Hàng xóm đối diện nhà tôi có một cậu bé học lớp 3, chỉ cần nó học thuộc lòng một bài thơ thì khắp nơi đều phải đọc cho người khác nghe. Nếu người khác nói: "Cháu thật tuyệt vời và có khả năng ghi nhớ tốt", thằng bé sẽ cười sung sướng. Chỉ cần ai đó không khen, chê cậu ta ồn ào thì lập tức nó sẽ tức giận và thậm chí chửi bới.
Ngay cả khi mua quần áo mới, thằng bé này cũng phải cho mọi người xung quanh xem, để họ khen quần áo của nó đẹp như thế nào, đồng thời chế quần áo của những bạn bè khác vừa xấu, vừa cũ kĩ.
Những đứa trẻ thích khoe khoang này thực chất là một loại "trí tuệ giả tạo", hàm ý thái độ tự phụ ở trẻ. Chúng chỉ muốn nghe người khác khen ngợi mà không cần quan tâm họ có đang thật lòng hay không.
Thông thường, những đứa trẻ thích thể hiện là do cha mẹ bỏ mặc, không quan tâm đến cảm xúc của con, hoặc chưa bao giờ khen ngợi, công nhận sự cố gắng của con. Điều này khiến trẻ mong muốn được công nhận và đánh giá cao.
Nếu không muốn nuôi dạy những đứa trẻ "thông minh giả" như vậy, chúng ta nên nhìn rõ hơn những ưu điểm của trẻ và khuyến khích chúng một cách thích hợp. Bằng cách này, trẻ có thể học cách tiến về phía trước và luôn biết khiêm tốn.