Tại phiên tòa, bà Nguyễn Thị Huệ - quyền hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai nói "không biết" vì mới về công tác tại trường.
Bà Huệ còn hỏi lại: "Nếu các giáo viên thắng kiện, lấy tiền nào để trả?". Thẩm phán chủ tọa phiên tòa chất vấn: "Người ta khởi kiện vì trường vi phạm hợp đồng, đòi quyền lợi mà trường lại hỏi lấy tiền đâu để trả. Đó là việc của nhà trường chứ (!)".
Nói về vấn đề này, bà Ngô Thị Minh Trinh - phó chủ tịch UBND huyện Krông Pắk - cho biết hàng trăm quyết định tuyển dụng giáo viên do lãnh đạo UBND huyện ký, trong đó có 5 giáo viên đang khởi kiện đều trái quy định pháp luật, gây ra vụ dôi dư 500 giáo viên.
Theo bà Trinh, vì "các quyết định ký sai, lãnh đạo huyện đã bị kỷ luật rồi" nên UBND huyện chỉ chịu trách nhiệm bồi thường đến thời điểm tháng 10-2018.
Tuy nhiên, lập luận này cũng bị HĐXX bác bỏ. Theo HĐXX, 5 thầy cô giáo này không chấp nhận các phương án thanh lý hợp đồng của huyện nên khởi kiện và phải giải quyết theo quy định tại Bộ luật lao động.
Đại diện Viện KSND huyện Krông Pắk giữ quyền công tố tại tòa đề nghị HĐXX chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của các thầy cô giáo, yêu cầu Trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai và UBND huyện Krông Pắk liên đới bồi thường cho các thầy cô giáo tổng cộng 1,245 tỉ đồng.
Mức bồi thường này thấp hơn yêu cầu khởi kiện hơn 250 triệu đồng do các thầy cô giáo rút yêu cầu bồi thường trả lương thiếu lúc đang làm việc, buộc trường chi trả bảo hiểm y tế…
HĐXX cho rằng do có nhiều nội dung nên sẽ nghị án kéo dài và sẽ tuyên án vào chiều 14-1.