Lúc bạn bị tụt huyết áp, đói hoặc đang no, bị sốt... bạn nên tránh tắm dù nóng tới mấy.
Ảnh: Hindustan
1. Lúc huyết áp quá thấp
Nhiệt độ nước tắm cao có thể làm giãn mạch máu, làm giảm huyết áp nên những người bị huyết áp thấp dễ ngất xỉu.
2. Sau khi uống rượu
Nếu bạn tắm sau khi uống rượu, lượng đường trong máu sẽ không được bổ sung kịp thời, bạn có thể bị chóng mặt và suy nhược toàn thân. Trong trường hợp nghiêm trọng, bạn có thể bị hạ đường huyết và hôn mê.
3. Đói hoặc sau bữa ăn no
Tắm khi đói dễ gây hạ đường huyết, dẫn tới ngất xỉu. Còn sau khi ăn no, các mạch máu trên bề mặt da toàn cơ thể bị kích thích bởi nước nóng và giãn nở ra. Máu chảy đến bề mặt cơ thể nhiều hơn, lượng máu cung cấp cho khoang bụng giảm, ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa và hấp thu.
4. Không nên tắm ngay sau khi làm việc
Làm việc bao gồm lao động chân tay và lao động trí óc, bạn nên nghỉ ngơi một lúc trước khi tắm. Nếu không sẽ dễ khiến máu cung cấp cho tim và não không đủ, có thể gây ngất.
5. Khi bạn bị sốt
Khi thân nhiệt tăng lên 38°C, mức tiêu thụ nhiệt của cơ thể có thể tăng thêm 20%, khiến bạn dễ bị yếu đi và gặp tai nạn khi tắm.
Thứ tự tắm đúng
1. Rửa mặt
Khi bạn vào phòng tắm và bật nước nóng, các lỗ chân lông trên cơ thể sẽ nở ra. Nếu lúc này bạn không rửa mặt trước, bụi bẩn sẽ tích tụ trên mặt, len lỏi vào lỗ chân lông. Theo thời gian, lỗ chân lông ngày càng to hơn và trên mặt bạn xuất hiện nhiều mụn hơn.
2. Tắm toàn thân
Sau khi rửa mặt, bạn tắm toàn thân. Lúc này, tắm rửa có thể thúc đẩy quá trình trao đổi chất một cách hiệu quả, tăng tốc độ lưu thông máu, mở rộng lỗ chân lông và thải hoàn toàn mồ hôi, bụi bẩn ra khỏi cơ thể. Nhưng đừng tắm quá lâu. Tốt nhất nên tắm trong vòng 20 phút và đảm bảo thông gió tốt.
3. Gội đầu
Cuối cùng, bạn có thể gội đầu sau khi xông hơi bằng nước nóng trong suốt quá trình tắm. Bây giờ, tóc của bạn đã được dưỡng ẩm đầy đủ và dễ dàng gội sạch.
Tắm thường xuyên có làm tổn hại đến sức khỏe không?
Việc có cần tắm không chủ yếu liên quan đến khí hậu. Vào mùa hè, thời tiết nóng nực và bạn đổ mồ hôi nhiều. Còn mùa đông, lỗ chân lông co lại. Y học cổ truyền Trung Quốc cho rằng vào mùa hè, nếu tắm rửa quá nhiều, lỗ chân lông sẽ giãn ra, gây ra khí hư, khí huyết bị mất đi dễ khiến bệnh tật xâm nhập.
Những người tắm quá thường xuyên sẽ bị khô và ngứa da nhiều hơn. Trường hợp nặng có thể gây viêm da thần kinh và chàm. Nếu tắm thường xuyên vào mùa đông có thể dẫn đến cảm lạnh.
Việc tắm rửa nên điều chỉnh phù hợp với từng mùa. Bạn có thể tắm nhiều hơn khi trời nóng và ít hơn khi trời lạnh. Lưu ý không dùng nước quá nóng hoặc tắm rửa quá lâu vì sẽ làm tổn thương màng bã nhờn, làm giảm chức năng phòng vệ của da, khiến da khô và ngứa hơn. Nói chung, tắm nước nóng quá 10 phút sẽ gây tổn thương da, còn tắm nước lạnh có thể lâu hơn một chút.