Một trong những nhiệm vụ quan trọng của GV chủ nhiệm đó là việc tổ chức giờ sinh hoạt lớp.
Có nhiều cách thức để tạo hứng thú trong các giờ sinh hoạt lớp. Theo kinh nghiệm của cô Vũ Thị Anh, cần để HS tự điều hành giờ sinh hoạt, biến giờ sinh hoạt lớp thành một buổi hội thảo nhỏ với các chủ đề theo tuần. Thầy cô hãy coi giờ sinh hoạt cuối tuần là một cuộc họp và người điều hành cuộc họp này chính là HS, là ban cán sự lớp.
GV chủ nhiệm đưa gợi ý một số chủ đề sinh hoạt cuối tuần cho HS (khuyến khích các vấn đề đang được dư luận quan tâm) và yêu cầu HS chuẩn bị trước một tuần để tiết sinh hoạt tuần tiếp theo cả lớp sẽ bàn về chủ đề đó. Tất cả đều có cơ hội được bày tỏ suy nghĩ và quan điểm của mình.
Có thể vấn đề được đưa ra gây nhiều tranh cãi và không đi được đến cách giải quyết tốt nhất như thầy cô mong đợi, nhưng thông qua hoạt động này thầy cô sẽ giúp HS của mình biết đưa ra ý kiến cá nhân và đặc biệt là biết cách kiềm chế cảm xúc khi tranh luận với bạn.
GV chủ nhiệm cũng có thể cho HS đăng ký chủ đề mình muốn nói trước lớp, có thể mỗi tuần là một cá nhân hoặc đại diện của một tổ lên thuyết trình về vấn đề mà mình thích trong khoảng thời gian được giới hạn, ví dụ 5 phút. Sau đó sẽ là thời gian cho những người còn lại đặt câu hỏi phản biện.
Hoạt động này giúp HS phát triển tư duy phản biện và kỹ năng thuyết trình trước đám đông. Qua đó, chúng sẽ học cách duy trì tình bạn lành mạnh thông qua chia sẻ, lắng nghe, và học hỏi lẫn nhau.
Hoặc, có thể tổ chức giờ sinh hoạt lớp thành một buổi biểu diễn tài năng, để HS tự tổ chức các trò chơi. Hoạt động này giúp lớp học thoải mái, đoàn kết hơn và khiến cho HS yêu lớp học của mình hơn.
Để mỗi tuần có những tiết sinh hoạt ý nghĩa, vui vẻ, GV giao nhiệm vụ từng tổ để tổ chức một trò chơi cho lớp và tự điều khiển hoạt động. Việc này giúp HS phát triển kỹ năng sáng tạo cũng như kỹ năng lãnh đạo. Không khí của giờ sinh hoạt lớp sẽ trở nên nhẹ nhàng, vui vẻ mà HS nào cũng thích và muốn nó được kéo dài thêm nữa.
Trang Facebook kết nối thông tin của lớp 12A10. |
Một trong những hoạt động trong cuộc sống số thời kỳ 4.0 của HS hiện nay đó là hoạt động nhắn tin, theo dõi hoạt động trên Facebook của các bạn khác, chia sẻ hình ảnh, suy nghĩ của mình… Các em mất rất nhiều thời gian khi sử dụng Facebook mà chưa có được một cổng thông tin chính thức để có thể trao đổi, nhắn tin, chia sẻ bài học hay các hoạt động, phong trào ở lớp.
Chính vì vậy, việc lập trang Facebook hỗ trợ công tác quản lí lớp học là rất hữu ích, hiệu quả và nó cũng được HS đón nhận tích cực, phụ huynh ủng hộ.
Để tạo trang Facebook cho lớp chủ nhiệm, cô Vũ Thị Anh đã sử dụng tính năng tạo nhóm của Facebook. Tính năng này giúp tập hợp, liên kết được với tài khoản Facebook của HS và tạo thành nhóm hoạt động riêng biệt. Giáo viên bật tính năng để đảm bảo tính riêng tư của tập thể lớp.
Trang Facebook được tạo trước khi nhận lớp chủ nhiệm để có thể giới thiệu cho học sinh trong buổi sinh hoạt đầu tiên. Lớp trưởng có nhiệm vụ thay giáo viên thêm thành viên của lớp vào trang, cũng như phê duyệt các tài khoản xin phép vào trang.
Mọi thông tin đăng tải trên trang Facebook là những thông tin được kiểm duyệt chính thống, không vi phạm pháp luật. Đó là những thông báo về thời khóa biểu, lịch thi giữa kỳ, cuối kỳ, công việc GV chủ nhiệm giao cho các tổ nhóm trong lớp để thực hiện nhiệm vụ, nội dung học tập, làm việc, thực hiện bài tập nhóm ở các môn của HS trong lớp...
Những nội dung đăng tải đó được HS tương tác, chia sẻ bài học, giúp nhau giải đáp các khó khăn, thắc mắc trong học tập và cuộc sống. Qua đây giúp GV hiểu học trò, có thể chia sẻ nhiều hơn về những vấn đề các em quan tâm hay còn gặp khó khăn, như về tuổi mới lớn, gia đình, học tập…
HS có tài khoản đều có thể phản ánh trực tiếp với GVCN các vấn đề của lớp. Các em có thể nhắn tin riêng, chia sẻ lên trang của lớp để cùng nhau đưa các hoạt động của lớp tốt hơn.
"Gần ba năm học thiết lập trang Facebook lớp, tôi nhận thấy quản lý lớp bằng Facebook tiết kiệm thời gian, công sức và linh động hơn rất nhiều. HS có được cổng thông tin để cập nhật, chia sẻ.
Thông qua kênh này, các em đã sử dụng mạng xã hội Facebook hiệu quả hơn (chia sẻ bài học, cùng nhau giải đáp thắc mắc, nhắc nhở nhau chuẩn bị bài…) tránh được việc mất nhiều thời gian cho Facebook cũng như các hệ quả tiêu cực khác.
Cha mẹ các em HS rất ủng hộ, cảm thấy an tâm hơn rất nhiều vì hoạt động trên mạng Internet của con em mình được GV chủ nhiệm trực tiếp theo dõi, quản lý", cô Vũ Thị Anh chia sẻ.