Thông qua việc chơi xếp hình, trẻ sẽ phải phân tích đa chiều và tự tay thực hiện những suy nghĩ của chúng, góp phần hình thành tư duy phản biện.
Tư duy phản biện cũng cho phép trẻ hiểu sâu hơn về thế giới bao gồm cả cách chúng nhìn nhận bản thân trong thế giới đó. Ảnh minh hoạ
3. Đặt nhiều câu hỏi trước khi đưa ra quyết định
Khi tìm mua một chiếc tivi hoặc thiết bị mới, cha mẹ nên đặt nhiều câu hỏi trước mặt con. Nếu đang chọn giữa hai chiếc tivi để thay cái cũ đã hỏng, hãy đặt câu hỏi về chất lượng, mức giá, kế hoạch thanh toán. Sau khi hỏi những câu hỏi và có vẻ hài lòng với những thông tin đã nhận được, bạn có thể đưa ra quyết định.
Làm vậy trước mặt con sẽ dạy trẻ cách tự thẩm tra thông tin được cung cấp và đưa đến quyết định dựa trên cân nhắc kỹ lưỡng.
4. Dạy con giải quyết vấn đề
Amy Morin, nhà trị liệu tâm lý, cho biết, một cách để dạy trẻ tư duy phản biện là dạy chúng cách giải quyết vấn đề. Chẳng hạn, yêu cầu con động não ít nhất năm cách khác nhau để giải quyết một vấn đề cụ thể.
Amy Morin nói: "Bạn có thể yêu cầu con di chuyển một đồ vật từ bên này sang bên kia của căn phòng mà không cần dùng tay. Lúc đầu, con có thể nghĩ rằng điều đó là không thể nhưng với một chút hỗ trợ từ bạn, con có thể thấy có hàng tá giải pháp, chẳng hạn như sử dụng chân hoặc đeo găng tay.
Theo thời gian, bạn có thể giúp con mình thấy rằng có nhiều cách để xem xét và giải quyết cùng một vấn đề".
Tư duy phản biện là một phần thiết yếu trong quá trình giải quyết vấn đề, ra quyết định và đặt mục tiêu. Ảnh minh hoạ
5. Không làm hộ trẻ
Khi con đang thực hiện công việc bất kỳ, bạn đừng vội giúp đỡ. Hãy dành 2 phút hoặc lâu hơn để quan sát cách con bạn đang làm việc, sau đó đưa ra gợi ý giúp chúng thực hiện công việc nếu đang đi sai hướng.
Phụ huynh nên hạn chế cùng con hoàn thành công việc vì chúng sẽ không có cơ hội tư duy mà dựa vào phương pháp của cha mẹ.
Đối với trẻ nhỏ, phụ huynh hãy kiên nhẫn quan sát trẻ làm việc vì chúng chưa đủ sức khoẻ và tư duy sâu sắc về vấn đề. Đối với trẻ lớn hơn, hãy đặt ra những câu hỏi phản biện và cung cấp đủ thông tin để chúng không bị nản lòng, nhưng không quá nhiều như thể bạn đang thay con giải quyết vấn đề.
6. Hỏi ý kiến trẻ
Nếu con bạn chọn đi một đôi giày hoặc chiếc áo phông này mà không phải cái khác, hãy hỏi con tại sao. Có phải vì thoải mái hơn không? Hay vì trẻ thích màu đó không?
Đặt câu hỏi như vậy sẽ khuyến khích trẻ xem xét lý do đưa ra quyết định. Điều này không khiến trẻ hoài nghi mà dạy trẻ cách xử lý thông tin. Trẻ sẽ có ý thức về suy nghĩ của chính mình, biết cân nhắc để đưa ra quyết định có lợi.
7. Nói chuyện với con về quảng cáo
Khi bọn trẻ xem TV, chúng ngồi hàng giờ xem quảng cáo đồ chơi trẻ em... Cha mẹ hãy ngồi xem cùng con. Khi đoạn quảng cáo xuất hiện, hãy hỏi con những gì chúng nghĩ.
Ví dụ, khi xem quảng cáo về một miếng bọt biển có thể làm sạch tất cả vết bẩn mà không tốn chút công sức, con bạn xem đó như phép màu. Cha mẹ hãy dạy chúng ý thức rằng đây chỉ là cách phóng đại để thu hút sự chú ý và quan tâm của khách hàng, khó có giá trị như quảng cáo.
Khi đó, bạn nên lấy máy tính ra, mở bảng đánh giá sản phẩm trên Google. Nếu nó không tốt, hãy giải thích với con lý do.
Ngoài ra, khi bạn dạy con mình xem xét thế giới xung quanh một cách nghiêm túc, bạn đang cung cấp cho chúng một lợi thế sẽ "phục vụ" cuộc sống của chúng trong nhiều năm tới. Một lợi thế sẽ có ích cho con trẻ không chỉ trong sự nghiệp đèn sách mà còn là nghề nghiệp và các mối quan hệ. Cuối cùng, con bạn sẽ không chỉ có thể tự suy nghĩ mà còn trở thành những người trưởng thành có năng lực hơn khi chúng bước ra cuộc sống.
Tư duy phản biện quan trọng không chỉ đối với trẻ em mà còn đối với người lớn. Đó là một trong những điều quan trọng nhất mà chúng ta phải dạy con cái, không chỉ qua lời nói mà còn qua hành động.
Bố mẹ hãy làm mẫu cách sử dụng kỹ năng sống quý giá này trong cuộc sống hàng ngày. Sử dụng tư duy phản biện cũng sẽ giúp bố mẹ nuôi dạy con cái hợp lý và đúng cách hơn.