Cô giáo Nguyễn Hồng Hải, Trường THPT Phạm Hồng Thái (Ba Đình, Hà Nội) cho rằng, việc bắt học sinh nhặt và ăn lại đồ đã vứt vào thùng rác (nếu đúng) là đáng quan ngại bởi những học sinh này đã ở lứa tuổi THPT, không còn nhỏ, lẽ ra các em phải có ít nhiều kĩ năng phản biện, biết giải thích phản ứng phù hợp để bản thân thoát khỏi tình huống đáng tiếc.
Ở lứa tuổi này, các em cũng không còn nhút nhát, rụt rè đến nỗi chỉ biết chấp hành mệnh lệnh. Có chăng là các em đang “trống” kĩ năng phản biện, ứng xử phù hợp trước các tình huống phát sinh tại trường lớp. Cô Hải cũng cho rằng giáo dục phản biện ở lứa tuổi nào đối với học sinh cũng luôn cần thiết, quan trọng bởi các tình huống bất ngờ trong môi trường học đường không chỉ có một hay vài, cũng không khi nào dừng lại.
Và đáng quan tâm, giáo dục tư duy phản biện cho học trò đã được nhiều nhà trường, giáo viên có ý thức triển khai song hiệu quả còn hạn chế bởi kĩ năng, kiến thức của đội ngũ nhà giáo đôi khi chưa đầy đủ. Thậm chí, nhiều giáo viên là sản phẩm của giáo dục một chiều, thiếu sự đầu tư, tu dưỡng làm mới kiến thức, kĩ năng nghề nghiệp.
Giáo dục toàn diện
TS chuyên ngành Tâm lý giáo dục Vũ Việt Anh (Giám đốc Học viện Thành Công) khẳng định, giáo dục tư duy, kĩ năng phản biện cho học sinh trong bối cảnh đổi mới giáo dục vô cùng cần thiết. Đó sẽ là điều kiện tiên quyết giúp các em có lối sống đúng đắn, không bị ảnh hưởng, lệch lạc trước những biến động cuộc sống. Đặc biệt, khi rơi vào những tình huống đáng tiếc, bị xâm phạm về tinh thần, sức khỏe các em có kĩ năng và biết cách thoát hiểm.
TS Vũ Việt Anh cho rằng, một số vụ việc phi giáo dục trong trường học thời gian qua cũng cảnh báo hậu quả của việc giáo dục áp đặt, giáo điều từ gia đình và nhà trường. Cha mẹ luôn đúng, thầy cô luôn đúng, giáo dục chỉ tập trung vào kiến thức, thành tích mà quên đi sự phát triển toàn diện về tự do, về quyền con người, nhân cách, đạo đức và tinh thần… Tất cả những điều đó đã dẫn tới việc học sinh bị biến thành “cỗ máy”, chỉ biết học tập, nghe lời và phục tùng, “trống” hoàn toàn kĩ năng, tư duy phản biện, thoát hiểm…
NGƯT Nguyễn Hoàng Vân, Trường THPT chuyên Lương Văn Tụy (Ninh Bình) khẳng định, trong giáo dục hiện đại, thầy cô cần biết và nên khuyến khích phản biện từ học trò. Bởi không phải thầy cô luôn đúng, luôn giỏi hơn học trò. Biết chấp nhận phản biện từ học trò, thầy cô cũng học hỏi được nhiều điều từ kiến thức tới những kĩ năng trong cuộc sống của các em. Phản biện trong giáo dục cũng giúp thầy trò gần gũi, và tìm ra phương pháp giáo dục phù hợp, hiệu quả nhất...
Theo cô Vân, trang bị kỹ năng phản biện không hề phức tạp và không nên chỉ là nhiệm vụ của nhà trường, thầy cô. Phụ huynh hoàn toàn có thể giáo dục, hướng dẫn tư duy phản biện cho con mình từ gia đình. Để làm được điều đó,bố mẹ không được áp đặt tư duy của mình lên trẻ, hoặc đáp ứng nhu cầu của con một cách dễ dàng. Thay vào đó hãy đặt ra cho con những tình huống con hoàn toàn có thể gặp phải như: Bị xâm hại tinh thần, sức khỏe, gặp nguy hiểm, bị hiểu nhầm… khi ra ngoài xã hội, nhà trường để xem con xử lý ra sao?
Hãy dạy con biết “cãi” một cách đúng đắn, có kĩ năng phản biện trước những tình huống của cuộc sống thay vì biến con thành những đứa trẻ thụ động, chỉ biết vâng lời, bảo sao làm vậy...