Gọi tên đối phương thường xuyên trong cuộc trò chuyện là một trong những thủ thuật tâm lý đơn giản nhưng vô cùng hiệu quả giúp bạn chiếm được cảm tình của họ.
Trong công việc và cuộc sống, kỹ năng giao tiếp và thuyết phục đóng vai trò quan trọng trong việc tạo dựng mối quan hệ và đạt được mục tiêu cá nhân. Bạn có thể là người tài giỏi, ý tưởng hay, nhưng nếu không biết cách chạm đến tâm lý người khác, khả năng thuyết phục sẽ rất hạn chế.
Tâm lý học hành vi đã chỉ ra nhiều thủ thuật tâm lý đơn giản nhưng có hiệu quả cao trong việc khiến người khác có thiện cảm và dễ dàng bị "thu phục". Dưới đây là những mẹo tâm lý tinh tế mà bạn có thể áp dụng ngay từ hôm nay.
Dale Carnegie – tác giả cuốn “Đắc nhân tâm” – từng viết: “Tên của một người là âm thanh ngọt ngào và quan trọng nhất đối với họ". Khi bạn gọi tên ai đó trong giao tiếp, điều này khiến họ cảm thấy được tôn trọng, được chú ý và gần gũi hơn với bạn.
Hãy sử dụng tên người đối thoại một cách khéo léo: Mở đầu bằng một lời chào thân thiện như “Chào Linh, lâu rồi không gặp!” hoặc kết thúc bằng cách nhấn tên họ: “Cảm ơn anh Tú, em sẽ gửi lại sớm!”. Tuy nhiên, đừng lạm dụng quá mức vì có thể gây cảm giác giả tạo.
Một nghiên cứu của các nhà tâm lý học Nhật Bản cho thấy khi bạn vừa nói vừa gật đầu nhẹ, người nghe có xu hướng đồng tình và tin tưởng lời bạn nói hơn. Cái gật đầu cũng truyền tải thông điệp “tôi hiểu bạn”, “tôi đồng cảm” – từ đó giúp xóa bỏ rào cản và làm mềm không khí đối thoại.
Đây là mẹo tâm lý đơn giản nhưng thường bị bỏ qua trong các cuộc trò chuyện quan trọng như thương lượng hợp đồng, xin việc, thuyết trình trước đám đông hoặc khi cần thuyết phục ai đó làm điều bạn mong muốn.
Đây là hiện tượng tâm lý được gọi là "hiệu ứng Ben Franklin". Khi bạn nhờ ai đó giúp một việc nhỏ (như cho mượn cây bút, chỉ đường, gửi giúp tài liệu), người đó sẽ tự lý giải hành vi giúp đỡ là do họ có thiện cảm với bạn. Nghe có vẻ ngược đời, nhưng não bộ con người thường vận hành theo hướng hợp lý hóa hành vi.
Tuy nhiên, bạn nên khởi đầu bằng những yêu cầu nhỏ, đơn giản, không gây phiền phức và chọn đúng thời điểm. Khi họ sẵn sàng giúp bạn lần đầu, việc tiến xa hơn trong mối quan hệ sẽ trở nên dễ dàng hơn.
Ai cũng thích được khen, nhưng nếu lời khen sáo rỗng hay quá mức, người nghe sẽ cảm thấy không chân thành. Hãy khen đúng lúc, đúng trọng tâm, và kèm theo chi tiết cụ thể để tăng độ tin cậy. Ví dụ:
Thay vì nói “Anh giỏi thật!”, hãy nói: “Em ấn tượng với cách anh xử lý tình huống ở cuộc họp – rất điềm tĩnh và sắc sảo”. Thay vì “Chị mặc váy đẹp quá”, hãy nói: “Màu này rất hợp với làn da của chị, nhìn nổi bật mà vẫn nhẹ nhàng”. Lời khen có chiều sâu không chỉ ghi điểm mà còn tạo sự kết nối cảm xúc mạnh mẽ hơn giữa bạn và người được khen.
Mirroring – kỹ thuật bắt chước tư thế, nét mặt, hoặc giọng nói của người đối diện – là một mẹo tâm lý cực kỳ hiệu quả. Khi người kia thấy bạn giống họ (về điệu bộ, cách nói), tiềm thức của họ sẽ cảm thấy “đồng điệu”, từ đó hình thành sự tin tưởng và thiện cảm nhanh chóng.
Ví dụ, nếu họ nghiêng người về phía trước khi nói, bạn cũng có thể hơi nghiêng người. Nếu họ nói chậm và nhỏ, bạn nên điều chỉnh tốc độ nói phù hợp. Tuy nhiên, điều quan trọng là sự mô phỏng phải thật tự nhiên, tinh tế, tránh tạo cảm giác bắt chước lộ liễu.
Đây là một thủ thuật tâm lý giúp bạn thu phục người khác dễ dàng. Khi bạn lặp lại một phần ý kiến hoặc cảm xúc của người khác, họ sẽ cảm thấy được lắng nghe và thấu hiểu. Điều này giúp bạn dễ dàng “đi vào lòng người” hơn, kể cả khi bạn có ý kiến trái chiều.
Ví dụ: Nếu họ nói “Tôi thấy dự án này hơi mạo hiểm”, bạn có thể đáp: “Tôi hiểu anh lo về tính mạo hiểm của dự án. Nhưng nếu mình có kế hoạch kiểm soát rủi ro, thì lợi nhuận mang lại cũng đáng để cân nhắc”.
Thủ thuật tâm lý này đặc biệt hiệu quả trong thương lượng, đàm phán và khi giải quyết xung đột.
Con người thường tin tưởng và quý mến những ai giống họ – về hoàn cảnh, sở thích, quan điểm hoặc thậm chí cả cách ăn mặc. Khi trò chuyện, nếu bạn tìm ra điểm tương đồng và khéo léo nhắc đến, người đối diện sẽ thấy gần gũi và thân thiết hơn.
Ví dụ: “Ồ, chị cũng từng học ở Đại học Kinh tế à? Em cũng học ở đó, nhưng khóa sau!”, hay “Anh cũng thích leo núi à? Em mê trekking từ hồi đại học!”.
Điểm tương đồng tuy nhỏ nhưng là cầu nối hiệu quả để xây dựng lòng tin và sự đồng cảm.
Im lặng đúng lúc là một thủ thuật tâm lý cực kỳ lợi hại. Trong nhiều tình huống, đặc biệt là khi bạn muốn đối phương nói nhiều hơn, tiết lộ thông tin hoặc suy nghĩ lại quyết định, sự im lặng sẽ gây áp lực nhẹ khiến họ “tự động” lấp đầy khoảng trống.
Ví dụ, khi bạn đưa ra một đề xuất và đối phương có vẻ chần chừ, thay vì nói tiếp để thuyết phục, hãy im lặng, mỉm cười chờ họ phản hồi. Chính sự yên lặng này có thể khiến họ dễ nghiêng về phía bạn hơn.
Thuyết phục và thu phục người khác không phải là việc lừa dối hay thao túng tâm lý, mà là nghệ thuật giao tiếp dựa trên sự tinh tế và thấu hiểu con người. Những thủ thuật tâm lý nêu trên không đòi hỏi bạn phải học cao siêu, chỉ cần rèn luyện sự quan sát, chú ý đến cảm xúc người đối diện và điều chỉnh cách giao tiếp một cách linh hoạt. Khi bạn thực sự quan tâm đến người khác, họ sẽ cảm nhận được – và từ đó, bạn dễ dàng thu phục lòng tin và sự hợp tác từ họ.