AI muốn thông minh hơn, cần con người dạy kỹ năng

04/12/2024 19:55

Dù AI đã đạt được những thành tựu đáng kể, nhưng vẫn còn xa để đạt được trí tuệ như con người. AI muốn thông minh hơn cần con người dạy kỹ năng.

AI muốn thông minh hơn, cần con người dạy kỹ năng- Ảnh 1.
GS. Yann LeCun, Giám đốc Khoa học Trí tuệ nhân tạo tại Meta chia sẻ tại Tọa đàm - Ảnh: VGP/HG

GS. Yann LeCun, Giám đốc Khoa học Trí tuệ nhân tạo tại Meta, một trong những nhà khoa học đặt nền móng cho AI nhận định như trên tại Tọa đàm "Triển khai Trí tuệ nhân tạo (AI) trong thực tế" diễn ra vào ngày 4/12 tại Hà Nội.

Đây là phiên thảo luận thứ hai trong chuỗi tọa đàm "Khoa học vì Cuộc sống" thuộc Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2024.

Tại đây, một trong những vấn đề mà các chuyên gia trong ngành AI thảo luận là làm sao mở rộng quy mô AI để có thể tạo ra tác động thực tiễn lớn hơn trong xã hội.

Nhấn mạnh AI đã đạt được những thành tựu đáng kể, GS. Yann LeCun cho rằng, AI sẽ ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn và thông minh trong những năm tới, nhưng vẫn còn xa để đạt được trí tuệ như con người. Con người vẫn sẽ giữ vai trò quyết định trong việc định hướng và kiểm soát sự phát triển của công nghệ này.

Trước một bộ phận ý kiến lo ngại rằng các hệ thống AI sẽ ngày càng thông minh và có thể cạnh tranh, kiểm soát con người, GS. LeCun cho rằng con người nên tận dụng các cơ hội, không nên sợ hãi AI.

GS. Yann LeCun dẫn chứng với kho tri thức hiện có của nhân loại, nếu một người dành 12 tiếng đồng hồ mỗi ngày để đọc thì họ mất hàng nghìn năm mới đọc hết. Nhưng nếu có AI, họ có một trợ lý tuyệt vời giúp họ sử dụng hiệu quả kho tri thức này mà không phải dành cả cuộc đời để đọc.

Lợi ích của AI là không thể phủ nhận nhưng một trong những hạn chế lớn nhất của các hệ thống AI hiện nay là sự thiếu khả năng suy xét, dự đoán các hậu quả của hành động cũng như lập kế hoạch hành động.

"Để AI thực sự tạo ra tác động mạnh mẽ, chúng ta cần phải phát triển các hệ thống AI không chỉ biết học từ dữ liệu mà còn có khả năng hiểu sâu về thế giới xung quanh", GS. Yann LeCun cho hay.

Theo GS. LeCun, như cách một đứa trẻ sơ sinh có khả năng nhận biết rất lớn về thế giới trong 2 tháng đầu đời chỉ bằng quan sát, nếu AI được dạy quan sát, nó cũng sẽ hình thành thế giới quan và đạt trí tuệ tầm con người. Từ thực tế này, GS. LeCun và các cộng sự tại Meta đưa ra một ý tưởng về việc dạy cho AI về cách thế giới vận hành.

Chia sẻ về một lĩnh vực mà AI đang tạo ra những thay đổi lớn là chăm sóc sức khỏe, GS. Đỗ Ngọc Minh, từ Đại học Illinois và Trường Đại học VinUni cho hay, trong việc hỗ trợ chẩn đoán và điều trị ung thư, công nghệ AI có thể giúp các bác sĩ phân tích hàng nghìn mẫu tế bào một cách nhanh chóng và chính xác, giảm thiểu những phiền toái và đau đớn cho bệnh nhân trong quá trình điều trị.

Dự án hợp tác giữa Đại học Illinois và các bệnh viện Mỹ đang nghiên cứu cách sử dụng AI để phát hiện ung thư thông qua việc phân tích các mẫu tế bào trong môi trường 3D, với mục tiêu dự đoán sự phát triển của khối u và điều chỉnh phác đồ điều trị một cách hiệu quả hơn.

Ngoài ra, AI cũng đang giúp cải thiện quy trình phục hồi chức năng cho bệnh nhân, dự đoán và đưa ra các phác đồ điều trị tối ưu cho từng bệnh nhân, dựa trên dữ liệu lớn từ các nghiên cứu trước đó.

AI muốn thông minh hơn, cần con người dạy kỹ năng- Ảnh 2.
Tọa đàm "Triển khai Trí tuệ nhân tạo (AI) trong thực tế" - Ảhh: VGP/HG

Tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận và sử dụng AI dễ dàng

Trong bối cảnh phát triển AI toàn cầu, Việt Nam cũng không đứng ngoài xu hướng này. TS. Bùi Hải Hưng, Tổng Giám đốc VinAI cho rằng một trong những thách thức lớn đối với việc triển khai AI tại Việt Nam chính là nguồn lực hạn chế cả về tài chính và nhân lực.

Tuy nhiên, ông cũng tin rằng sự hạn chế này có thể trở thành động lực để Việt Nam đổi mới sáng tạo, phát triển các ứng dụng AI phù hợp với thực tiễn trong nước.

Theo TS. Bùi Hải Hưng, tương lai không chỉ nằm ở việc tạo ra những công nghệ AI mạnh mẽ hơn, mà còn ở việc đưa công nghệ này tới tầm tay của tất cả mọi người.

Do đó, phải giảm thiểu các rào cản về chi phí và tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận và sử dụng AI một cách dễ dàng và hiệu quả.

Đặc biệt, việc bảo vệ quyền riêng tư cũng là một vấn đề quan trọng cần được giải quyết, đặc biệt khi AI xử lý những dữ liệu nhạy cảm từ các dịch vụ đám mây.

TS. Bùi Hải Hưng chia sẻ một trong những giải pháp quan trọng là chạy các mô hình AI trực tiếp trên các thiết bị cá nhân, thay vì trên đám mây. Điều này không chỉ giúp bảo vệ dữ liệu người dùng mà còn tạo ra các ứng dụng AI cá nhân hóa, dễ dàng tiếp cận từ mọi nơi và nâng cao hiệu suất công việc.

Cũng tại tọa đàm, các chuyên gia cho rằng đối với Việt Nam, để bắt kịp xu hướng phát triển AI toàn cầu, cần đầu tư mạnh vào giáo dục và nghiên cứu, đặc biệt là trong các lĩnh vực STEM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học), nhằm tạo ra môi trường thuận lợi cho sự phát triển của các tài năng trẻ. Đồng thời, việc thu hút đầu tư vào AI trong các lĩnh vực như chăm sóc sức khỏe, giáo dục và công nghiệp cũng sẽ tạo ra nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của công nghệ này trong tương lai.


Theo baochinhphu.vn
https://baochinhphu.vn/ai-muon-thong-minh-hon-can-con-nguoi-day-ky-nang-102241204194238357.htm
Copy Link
https://baochinhphu.vn/ai-muon-thong-minh-hon-can-con-nguoi-day-ky-nang-102241204194238357.htm
Bài liên quan
Hợp tác đào tạo nhân lực công nghệ về trí tuệ nhân tạo với Malaysia
Đại học Công nghệ PETRONAS (Universiti Teknologi PETRONAS), trường đào tạo công nghệ hàng đầu Malaysia vừa ký kết biên bản ghi nhớ với FPT nhằm thúc đẩy giáo dục công nghệ và chuyển đổi số tại Malaysia với trọng tâm là đào tạo và nghiên cứu lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI).

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
AI muốn thông minh hơn, cần con người dạy kỹ năng