Thống nhất với chia sẻ của PGS. Nguyễn Thành Hiếu, PGS. TS Lê Trung Thành - Viện trưởng Viện Đào tạo Quốc tế, cho biết, ChatGPT tạo ra cơ hội nhưng nếu sinh viên không được hướng dẫn để sử dụng đúng mục tiêu, mục đích sẽ tạo ra hiện tượng không trung thực, không học thật.
"Hiện nay có hiện tượng một số sinh viên lên mạng tìm những chợ luận văn, luận án để hỗ trợ. Hay sinh viên dùng đề bài, đưa ra yêu cầu để ChatGPT làm hộ. Thậm chí, cũng có trường hợp giảng viên lười không chịu làm bài tập, không chịu ra đề bài cho học viên và yêu cầu ChatGPT làm thay. Nếu không sử dụng ChatGPT một cách đúng nghĩa sẽ gây ra nhiều mặt trái và hệ luỵ", PGS. Lê Trung Thành cho hay.
Các diễn giả, đại biểu trình bày tham luận. |
Vì vậy, theo PGS. Lê Trung Thành, để ChatGPT và AI được sử dụng theo hướng tích cực nhất trong giáo dục, điều đầu tiên cần giáo dục về tư duy, thái độ, nhận thức của sinh viên. Bản thân học thật, có kiến thức thật để phục vụ cho hiện tại và công việc tương lai.
"Nhà trường cũng cần có những cách thức kiểm soát chéo. Chẳng hạn như giao bài tập có thể hỏi lại xem thực sự sinh viên có nắm được kiến thức không. Sinh viên trình bày bằng sự hiểu biết và ngôn ngữ của chính mình sẽ khác với sinh viên hoàn toàn phụ thuộc, lạm dụng vào ChatGPT. Ngoài ra, đối với những công cụ, giải pháp quản lý luôn biến động và điều chỉnh theo thời gian để phù hợp", PGS. Lê Trung Thành chia sẻ.
Trong khuôn khổ tọa đàm, các diễn giả, đại biểu đã trình bày tham luận và thảo luận xoay quanh vai trò, ảnh hưởng của AI và ChatGPT đối với giáo dục đại học cũng như cách thức mà các trường có thể khai thác tiềm năng và ứng dụng AI và ChatGPT một cách có ý nghĩa.