Nếu như các bạn có thể mở bài bằng chủ đề hoặc hình tượng trung tâm thì bài viết sẽ mang tính khái quát cao hơn từ đó cho người chấm thấy rằng bạn có đọc qua và nắm vững được nội dung tác phẩm, biết cách liên quan tới chủ đề chính mà tác phẩm hướng tới. Tuy nhiên để mở bài tốt bằng cách này bạn phải đọc tác phẩm, nắm được nội dung cốt truyện, nhân vật chính, tình tiết và cả những tư tưởng của tác giả.
Ví dụ: Bài “ Đồng chí” của Chính Hữu trong ngữ văn 9 tập 2.
Cách 1: Văn học hiện đại Việt Nam trong thời kì chống ngoại xâm đã thể hiện một cách chân thực, sáng tạo và độc đáo về hình ảnh thế hệ trẻ Việt Nam anh hùng quyết tâm gìn giữ, bảo vệ Tổ quốc. Họ mang trong mình nhiệt huyết chiến đấu sục sôi, quên đi lợi ích riêng của bản thân để cống hiến cho đất nước.
Nghe theo tiếng gọi nồng nàn, cháy bỏng trong tim, họ sẵn sàng bước chân vào cuộc đời người lính. Và “Đồng chí” là tất cả những lời thơ mà Chính Hữu muốn ngợi ca sự cao đẹp của tình đồng đội trong kháng chiến họ dành cho nhau.
Cách 2: Vào những năm kháng chiến chống Pháp, đất nước ta sục sôi ý chí, quyết tâm đánh giặc. Hoà mình vào khí thế ấy đã có hàng vạn, hàng triệu thanh niên nhập ngũ. Những chiến sĩ dũng cảm, can trường ấy đã trở thành một hình tượng, một đề tài trong thơ ca thời đó. Một trong những bài thơ rất hay về người chiến sĩ, về tình đồng đội là bài Đồng chí của nhà thơ lính Chính Hữu.
Cách 3: Tình cảm là thứ quan trọng nhất đối với mỗi con người. Nó như dòng nước ngọt ngào chảy dọc trong ống nhựa tắm mát tâm hồn ta, tưới nước cho cái hạt giống tinh thần bên trong ta nảy nở. Thiếu đi cái ngọt ngào của tình cảm, tả sẽ chỉ như cái ống nước rỗng ruột, khô cứng, tâm hồn ta sẽ chẳng khác gì hoang mạc cằn khô nứt nẻ.
Tình cảm trong chiến tranh, trong những mưa bom bão đạn, những khói lửa mịt mù lại càng đáng nhớ hơn, nó thể hiện sự gắn bó, yêu thương không điều kiện, đồng cam cộng khổ vượt qua những chông gai của cuộc chiến. Thứ tình cảm thiêng liêng ấy không gì khác chính là tình đồng chí. Nhà thơ Chính Hữu đã viết về tình cảm cao đẹp ấy, đồng thời tái hiện lài một cách chân thực hình ảnh người lính chống Pháp, qua bài thơ “Đồng chí” của ông.
Lý luận văn học là bộ môn nghiên cứu văn học ở bình diện lý thuyết khái quát cao, bao gồm trong đó có sự nghiên cứu bản chất của sáng tác văn học, chức năng xã hội, thẩm mỹ của nó, đồng thời xác định được phương pháp luận và phương pháp phân tích văn học.
Khi các bạn có thể mở bài bằng lý luận văn học sẽ tạo được ấn tượng rất tốt về phần mở bài, Bởi lý luận văn học rất khô khan và cứng nhắc nếu như vận dụng được thì bài văn sẽ có giá trị cao về mặt ý nghĩa. Tuy nhiên khi mở bài bằng cách này thì bạn cần đọc qua nhiều bài lý luận văn học hoặc có nghiên cứu về lý luận văn học, có một chút năng khiếu và kỹ năng viết văn.
Ví dụ: Khi vấn đề nghị luận liên quan đến bài thơ “ Đàn ghi ta của Lorca” ( Tác giả Thanh Thảo,). Bạn có thể vận dụng kiến thức về quy luật kế thừa, cách tân trong văn học, đây là cách mở bài kết hợp giữa lý luận văn học và chủ đề sáng tạo là hình tượng nghệ sĩ tài hoa mà bất hạnh của chung 3 nhà thơ, 3 thời kỳ
“Văn học bao đời nay đố kỵ sự trùng lặp nhưng lại không phủ nhận những kế thừa, cách tân giữa các thế hệ cầm bút. Bởi vậy mà thế kỷ XIII, đại thi hào Nguyễn Du đã khóc thương nàng Tiểu Thanh tài hoa mệnh bạc, Tố Hữu tiếc thương cụ Tiên Điền 200 năm sau và đến lượt Thanh Thảo, nhà thơ không khỏi xúc động cúi mình trước Lorca, thi sĩ bất hạnh xứ Tây ban cầm”