(Tả quê hương – Sách Tiếng Việt 5, tập 2, trang 101)
- Nhìn thân hình cân đối của Hạng A Cháng, tất cả các cụ già trong làng đều tấm tắc:
- A Cháng như một con ngựa tơ hai tuổi, chân chạy qua chín núi mười khe không biết mệt, khỏe quá! Đẹp quá!
(Tả anh thanh niên dân tộc vùng núi phía Bắc – Hạng A Cháng
– Sách Tiếng Việt 5, tập 1, trang 119)
- Vào mùa, cánh đồng lúa chín quê em đẹp tươi hơn bao giờ hết, càng ngắm càng mê say.
(Tả cánh đồng lúa chín)
Tiếng chim hót véo von trong trẻo làm em bừng tỉnh giấc. Em bước ra vườn, khoan khoái hít thở không khí trong lành buổi sớm mai. Em bỗng nhận ra khu vườn nhỏ nhà mình mới đẹp làm sao!
(Tả khu vườn vào buổi sớm - Văn tuổi thơ Số tháng 5/2022)
Ai đi ngang qua nhà em cũng không khỏi trầm trồ: “Chà cây lộc vừng đẹp quá!”. Nó đứng ngay bên trái trước cửa nhà em.
(Tả cây lộc vừng - Văn tuổi thơ Số tháng 4/2022)
2.3: Mở bài bằng việc trích dẫn câu thơ, câu hát, câu danh ngôn, nhận định hoặc cũng có thể là câu chuyện nhỏ, một sự việc liên quan đến đối tượng miêu tả
“Vũ trụ có nhiều kì quan, nhưng tuyệt phẩm nhất là trái tim người mẹ”. Với tôi cũng vậy, mẹ là người tuyệt vời nhất, người đã hi sinh mọi thứ, đã dành cả cuộc đời để nuôi nấng, dạy dỗ và yêu thương tôi.
(Tả người mà em yêu quý nhất)
Lưu ý học sinh tránh viết mở bài theo khuôn mẫu: Gia đình em có bốn người, nhưng em yêu quý nhất là mẹ.
- Đầu năm học, bố chở em đi mua đồ dùng học tập. Em vui vẻ chọn cho mình một chiếc cặp sách mới tinh.
(Tả chiếc cặp - Văn tuổi thơ Số tháng 1/2022)
Người xưa có câu “Công cha như núi Thái Sơn…” - một câu ca dao đã phần nào gợi lên được công lao trời bể của người bố. Người đàn ông luôn hi sinh thầm lặng, hết mình vì hạnh phúc của mái ấm gia đình. Thế nên, thật dễ hiểu khi bố chính là người mà em luôn yêu mến và kính trọng.
(Tả người mà em yêu quý nhất)
2.4: Mở bài bằng sử dụng dấu hiệu đặc trưng, nổi bật, điển hình của đối tượng được miêu tả
- Nếu như nhắc đến mùa đông, chúng ta sẽ nghĩ ngay đến những hàng cây khẳng khiu trụi lá chạy dài tít tắp thì khi chị mùa xuân xinh đẹp ghé thăm là lúc những tia nắng ấm áp nhảy nhót trên vạn vật, trăm hoa đua nhau khoe sắc. Mùa xuân trên quê hương em thật đẹp.
- Mỗi năm có bốn mùa, mỗi mùa có một vẻ đẹp riêng. Mùa hè với những chùm hoa phượng đỏ nở đỏ rực một góc trời, với những chú ve râm ran trong vòm lá. Mùa thu với những cơn gió heo may thơm mùi hương cốm mới. Những bông hoa cúc vàng tươi. Mùa đông lạnh giá khiến ai cũng phải xuýt xoa. Nhưng em thích nhất là mùa xuân. Mùa của sự sống, mùa của những ước mơ. Mùa đẹp nhất trong năm lại đến với xóm làng em.
(Tả một mùa mà em yêu thích)
Cô Dương Thị Soa và học trò Trường Tiểu học Tùng Ảnh. |
Cách mở bài này thay thế với kiểu mở bài theo công thức có sẵn: Trong bốn mùa xuân, hạ, thu, đông thì em thích nhất là mùa xuân.
- Đến với đất nước mặt trời mọc là đến với những con đường hồng rực hoa anh đào, còn niềm tự hào của dân tộc Việt Nam là hoa sen, tượng trưng cho sự thanh cao và bất khuất của con người nơi đây.
(Tả hoa sen)
- Một buổi sáng tới trường, bỗng em nghe tiếng ve râm ran trong vòm lá, và kia trên cây phượng đã có chùm hoa đỏ rực. Thế là em sắp phải xa mái trường tiểu học mến yêu, nơi đã gắn bó với em thật nhiều kỉ niệm… Buổi sáng mùa hè trên sân trường em với biết bao xao xuyến, bâng khuâng.
(Tả quang cảnh trường em vào một buổi sáng mùa hè)
- Cùng với những cơn gió bấc tràn về khắp phố, mùa đông vươn đôi tay lạnh lẽo gõ của từng căn nhà. Gió lạnh thổi từng cơn khiến em rùng mình vì cái rét cắt da cắt thịt. Bầu trời không còn trong xanh, nắng cũng đã tắt hẳn. Nền trời chỉ còn mảng mây màu xám xịt, u ám.
(Tả mùa đông - Văn tuổi thơ Số tháng 12/2021)
2.5: Mở bài bằng sử dụng cấu trúc câu lặp lại
- Mẹ là người đã sinh ra tôi. Mẹ là người luôn bên cạnh khi tôi vấp ngã. Mẹ là mùa xuân, là ánh sáng của cuộc đời tôi.
(Tả mẹ)
- Dòng sông La quê em thật đẹp! Sông làm cho phong cảnh hữu tình. Sông ôm ấp làng quê. Sông làm xanh bãi mía, nương dâu. Sông gắn bó với cả thời thơ ấu.
(Tả dòng sông quê hương)
Bước 3: Luyện tập viết các kiểu mở bài
Sau khi được giáo viên giới thiệu, phân tích, hướng dẫn các cách mở bài, giáo viên khuyến khích sự sáng tạo không giới hạn của các em để viết mở bài cho các đề văn sau:
Đề 1: Thế rồi, cơn mưa cũng đến. Cây cối hả hê, cảnh vật như thêm sức sống mới. Không gì đẹp bằng cây lá vừa tắm mưa xong…
Em hãy miêu tả cảnh vật sau cơn mưa theo quan sát và tưởng tượng của em.
Đề 2: Tuổi thơ của em được lớn lên trong sự quan tâm, chăm sóc của người thân. Hãy miêu tả và nói lên cảm xúc về một trong những người thân đó.
Đề 3: Mùa đông đến, cảnh vật như co mình trong giá lạnh, con người càng khát khao hơi ấm. Từ gợi ý trên, em hãy viết một bài văn miêu tả vẻ đẹp của mùa đông.
Đề 4: Cỏ cây xung quanh ta thay đổi theo mùa, mỗi mùa cây cỏ có một vẻ đẹp riêng. Hãy miêu tả vẻ đẹp trong mùa xuân của một loài cây mà em yêu thích.
Mở bài rất quan trọng và cũng thật khó, bởi vì đó là sự khởi động của tư duy và cảm xúc, thể hiện sự nhận thức của học sinh với đề bài. Mở bài sẽ tạo ấn tượng đầu tiên với người đọc, người nghe.
Bài viết này là một gợi ý cho các em phần mở bài của dạng văn miêu tả - thể loại làm văn chính ở bậc tiểu học, hi vọng sẽ giúp các em giải thoát cảm giác “sợ” mở bài; có một bắt đầu thuận lợi và khơi thông cho chuỗi cảm xúc tích cực khi học văn và làm văn.