Kĩ năng viết mở bài trong văn nghị luận

28/10/2022, 16:01
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Nhiều học sinh khi làm văn nghị luận thường lúng túng và mất nhiều thời gian cho phần mở bài, từ đó ảnh hưởng đến tiến độ làm bài kiểm tra, bài thi.

Sau đây là một số cách mở bài theo hướng gián tiếp:

Theo kiểu diễn dịch: Nêu lên những ý khái quát hơn vấn đề đặt ra trong đề bài rồi mới bắt đầu vào vấn đề ấy.

Ví dụ 1: Đề: Phân tích hình tượng nhân vật Huấn Cao trong tác phẩm Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân.

Mở bài: Nguyễn Tuân là một nhà văn tài hoa, đã xây dựng được những hình tượng đẹp về con người tài hoa, có nhân cach cao thượng. Một trong nhân vật để lại ấn tượng sâu sắc cho bạn đọc là nhân vật Huấn Cao trong tác phẩm “Chữ người tử tù”.

Ví dụ 2: Anh(chị ) hãy viết một bài văn ngắn về bàn về “nhân nghĩa”.

Học sinh mở bài như sau: Nếu nói một người bất nhân bất nghĩa, nhất định đó là cụm từ để hạ thấp nhân phẩm đạo đức của người đó. Từ xưa đến nay, thánh nhân hiền sĩ đều lấy nhân nghĩa để tự răng mình, Mạnh Tử nói “chết để giữ chữ nghĩa”, Nguyễn Thái Học nói “không thành danh cũng thành nhân”, họ dùng cả tính mạng, sự sống của mình để diễn giải hai chữ “nhân” và “nghĩa”, từ đó chúng ta thấy rằng, nhân và nghĩa là hai tảng đá lát nền cho đời người, muốn làm người ắt phải là người nhân nghĩa.

Theo kiểu qui nạp: Nêu lên những ý nhỏ hơn vấn đề đặt ra trong đề bài rồi tổng hợp lại thành vấn đề nghị luận.

Ví dụ 1: Để suy nghĩ về câu nói: “Học vấn là quả ngọt sinh ra từ cây đắng”, có thể đưa ra luận điểm như sau: Mỗi lần nhìn thấy những chùm quả sai trĩu là trong lòng chúng ta lại có một niềm vui khôn tả, nhưng chúng ta đừng quên có câu ngạn ngữ nói rằng “mùa xuân không trồng, mùa hạ không lớn, mùa thu không thu, mùa đông sẽ không được nếm”. Như vậy có nghĩa là nói những chùm quả sai trĩu kia chính là dựa vào sự lao động cần cù mới có được. Người học phải chăng cũng vậy, chỉ có thông qua sự nỗ lực lao động cần cù mới có thể nắm được những kiến thức phong phú.

Theo kiểu đối lập: Nêu lên một ý trái ngược với ý trong đề bài rồi lấy đó làm cớ để chuyển sang vấn đề cần nghị luận.

Ví dụ: Đối với giai cấp thống trị, Cao Bá Quát là quân phản nghịch, quân giặc cỏ, nhưng đối với nhân dân, ông là một con người khí phách, tài hoa. Từ nguyên mẫu ấy, nhà văn Nguyễn Tuân đã xây dựng nhân vật Huấn Cao, một hình tượng đẹp trong tác phẩm “Chữ người tử tù”.

Theo kiểu tương liên: Nêu lên một ý giống như ý trong đề bài rồi bắt sang vấn đề cần nghị luận. Ý được nêu ra trước thường là tục ngữ, ca dao, danh ngôn hoặc những chân lí phổ biến, những sự kiện nổi tiếng.

Ví dụ: Trong văn học Cách mạng Tháng Tám, đã có không ít tác phẩm viết về những con người không may rơi vào tay giặc, trong nhà lao, trước cái chết vẫn hiên ngang, bất khuất. Thật thú vị là trước Cách mạng Tháng Tám, nhà văn Nguyễn Tuân cũng đã xây dựng thành công một hình tượng tuyệt vời về con người khí phách, tài hoa, trong nhà tù chờ ngày lĩnh án chém – Ông Huấn Cao, một hình tượng đẹp trong tác phẩm “Chữ người tử tù”.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/ki-nang-viet-mo-bai-trong-van-nghi-luan-post165121.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/ki-nang-viet-mo-bai-trong-van-nghi-luan-post165121.html
Bài liên quan
Phân tích hay nhất về bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh
Trong chương trình Ngữ văn lớp 12, bài thơ Sóng của nhà thơ Xuân Quỳnh là một bài thơ rất hay và cảm xúc.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kĩ năng viết mở bài trong văn nghị luận