Sức mạnh đáng gờm
Theo AP, có một điểm đáng chú ý là, trong số 6 thành viên mới gia nhập BRICS thì có đến 3 thành viên là những "gã khổng lồ" sản xuất dầu mỏ gồm Ả Rập Saudi, UAE và Iran.
Dữ liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ cho thấy, Ả Rập Saudi là nhà sản xuất dầu lớn thứ hai thế giới vào năm 2022, trong khi UAE và Iran lần lượt xếp ở vị trí thứ sáu và thứ chín. Cùng với Nga, nước đứng thứ ba về sản lượng dầu toàn cầu, BRICS đã có được 4 trong số 10 nhà xuất khẩu năng lượng hàng đầu thế giới .
Đặc biệt, theo CNN, nếu Ả Rập Saudi chấp nhận lời mời, như vậy nước xuất khẩu dầu thô lớn nhất nhì thế giới sẽ ở cùng khối kinh tế với nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới là Trung Quốc.
Điều đó cũng có nghĩa là Nga và Ả Rập Saudi, đều là thành viên của OPEC+, sẽ cùng nhau thành lập một khối kinh tế mới. Hai nước thường xuyên điều phối sản lượng dầu của mình, điều trước đây đã khiến Ả Rập Saudi xung đột với đồng minh Mỹ.
Dầu thô vốn đã và đang đóng một vai trò quan trọng và là mặt hàng hàng đầu có nhu cầu cao trong nhiều thập kỷ. Với việc bổ sung các nhà sản xuất dầu mỏ hàng đầu, thị trường quốc tế có thể chứng kiến sự thay đổi mạnh mẽ và BRICS có thể giành quyền kiểm soát thị trường.
Sự mở rộng của BRICS cũng đặt ra câu hỏi về khả năng phi đô la hóa tiềm năng, một quá trình trong đó các thành viên sẽ dần dần chuyển sang sử dụng các loại tiền tệ khác ngoài đồng đô la Mỹ để tiến hành thương mại.
Có ý kiến cho rằng, nếu thị trường dầu mỏ sử dụng đồng tiền khác thay đồng đô la thì đồng đô la sẽ mất đi sự hùng mạnh vốn có và tạo ra sự hỗn loạn trong nền kinh tế Mỹ. Mỹ sẽ không có phương tiện để hỗ trợ cho thâm hụt của mình và một số lĩnh vực tài chính có thể bị ảnh hưởng.
Ngoài ra, AP nhận định, sự mở rộng của BRICS dường như cũng mở rộng phạm vi ảnh hưởng của Trung Quốc và Nga, đặc biệt là ở Vịnh Ba Tư.
Trung Quốc gần đây đã thúc đẩy sự hiện diện nhiều hơn ở vùng Vịnh và tìm kiếm mối quan hệ chặt chẽ hơn với cả ba quốc gia, đặc biệt là Iran, nguồn cung dầu cho Bắc Kinh; trong khi Ả Rập Saudi và UAE vẫn duy trì quan hệ với Nga bất chấp xung đột Ukaine.