Bạc hà có tác dụng thanh nhiệt, hóa đờm, tiêu sưng, giảm đau chữa ngoại cảm, sốt không ra mồ hôi, đau đầu, sổ mũi, viêm họng, ho, đau bụng, tiêu hóa kém, nôn mửa.
Bạc hà chữa cảm, cúm, viêm họng, viêm mũi, ho, rát cổ: Bạc hà (30g), lá tràm (50g), lá đại bi (20g), kinh giới (10g), hương nhu (10g), hạt mùi (2g), an tức hương (2g). Các dược liệu làm khô, cắt nhỏ, ngâm cồn 80° trong 10 ngày, thỉnh thoảng lắc đều. Khi dùng, chắt lấy nửa thìa cà phê cồn cho vào cốc, đổ thêm nước sôi, dùng xông và hít.
Hoặc lấy từ 4 - 8g lá hoặc toàn cây hãm với nước sôi hoặc sắc uống lúc nóng.
Nồi nước xông dân gian gồm bạc hà (20g), lá chanh lá bưởi, lá tre, hương nhu, cúc tần, sả (mỗi thứ 30g), tỏi (3 nhánh đập giập) là thuốc giải cảm, làm ra mồ hôi.
Tinh dầu bạc hà được dùng làm cho thuốc thơm dễ uống hoặc bào chế dưới dạng cồn thuốc (tinh dầu bạc hà 50g, lá bạc hà 50g, cồn vừa đủ 1 lít), mỗi lần uống 5 - 10 giọt với nước nóng, ngày vài lần.
Menthol chiết xuất từ tinh dầu bạc hà được dùng xoa bóp để giảm đau và sát khuẩn.
Lưu ý khi dùng bạc hà
Người suy nhược gầy yếu, huyết áp cao, trẻ em dưới 1 tuổi không nên dùng bạc hà.
Với người lớn, bạc hà và các sản phẩm của nó dùng uống với liều nhỏ sẽ làm tăng tiết mồ hôi và hạ nhiệt nhưng uống liều cao lại gây liệt phản xạ và ức chế sự lên men trong ruột.
Bạc hà là dược liệu có nhiều công dụng đối với sức khỏe. Nhưng bạc hà cũng có thể tương tác với các loại thuốc khác khi dùng chung dẫn đến những tác dụng phụ đối với sức khỏe. Mọi người cần chủ động tham khảo ý kiến của bác sĩ, dược sĩ, lương y... để sử dụng các bài thuốc, sản phẩm có tinh chất bạc hà một cách hiệu quả nhất.