Bác sĩ chỉ cách hạn chế gây hại cơ thể khi uống rượu, bia

25/01/2023, 19:00
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Rượu bia nếu sử dụng một liều lượng nhỏ thì nó có tác dụng kích thích khai vị, giúp thư giãn và có trạng thái hưng phấn. Tuy nhiên đây là những đồ uống có chứa cồn ethanol ở những nồng độ khác nhau nên tác dụng của bia rượu thường là có hại cho sức khoẻ hơn là có lợi.

Khi đến não, rượu tác động đến hệ thần kinh, khả năng kiểm soát hành vi và chức năng của cơ thể, sự tác động đó phụ thuộc vào mức độ tăng của nồng độ cồn trong máu mà đưa đến các trạng thái khác nhau: hưng phấn, kích động, mất kiểm soát hành vi. Đồng thời rượu còn là một chất ức chế làm chậm hoạt động của não và làm suy yếu khả năng đi lại, giao tiếp và suy nghĩ.

Ngoài ra rượu bia như một loại thuốc lợi tiểu: làm tăng sự hình thành nước tiểu, đi tiểu thường xuyên hơn gây mất nước và khát. Và khoảng 5% -10% rượu được bài tiết qua phổi, thận và da; còn lại 90%-95% được chuyển đến gan để xử lí. Ở gan, rượu được oxy hóa thành nước và carbon dioxide, nhưng gan chỉ có thể oxy hóa khoảng 2 đơn vị rượu mỗi ngày.

Sử dụng rượu bia đúng cách

Liều lượng: bia, rượu vang, rượu mạnh là đồ uống có cồn ở các nồng độ khác nhau: Một đơn vị rượu là 10g cồn tương đương ¾ lon bia 330 ml; 135 ml rượu vang; 30ml rượu whisky. Khi uống cần hạn chế: đối với nam: ≤ 02 đơn vị cồn/ngày; nữ: ≤ 01 đơn vị cồn/ngày.

Bác sĩ khuyên khi uống rượu, bia nên uống từ từ, chậm rãi, nếu rượu mạnh có thể làm loãng nồng độ nhằm giảm kích ứng niêm mạc miệng và dạ dày, đồng thời giúp gan có thời gian để kịp oxy hóa rượu giảm nguy cơ say và ngộ độc.

Không nên uống rượu lúc đói: làm tăng kích ứng dạ dày dẫn đến viêm loét dạ dày và chảy máu dạ dày. Trước khi uống rượu nên uống nước lọc, nước quả, nước súp, nước canh và đặc biệt là ăn rau xanh có tác dụng giảm nồng độ cồn của rượu. Nên ăn thức ăn giàu protein khi uống rượu để làm chậm quá trình hấp thu rượu vào máu.

Không nên uống rượu với đồ uống có ga (nước giải khát có ga), rượu lẫn bia nó sẽ làm quá trình rượu hấp thu cồn vào máu nhanh hơn.

“Người đang sử dụng thuốc aspirin thì nên tránh uống rượu, không nên sử dụng rượu với aspirin. Khi uống rượu có thể gây đau đầu, nên một số người đã sử dụng aspirin trước khi uống rượu để tăng tửu lượng. Đây là điều hết sức nguy hiểm vì aspirin có thể gây chảy máu dạ dày khi đói và tăng hấp thu rượu vào trong máu dẫn đến nồng độ cồn trong máu tăng nhanh. Khoảng cách thời gian uống rượu, bia và dùng aspirin là 1 ngày. Nếu phải dùng aspirin và uống rượu trong 1 ngày thì nên cách xa bằng cách uống aspirin vào buổi sáng và uống rượu vào tối hoặc ngược lại”, bác sĩ Tiến khuyên.

Ngoài ra không nên uống rượu với caffeine, vì rượu là một chất ức chế, caffeine là chất kích thích làm tăng huyết áp, nhịp tim. Nếu sử dụng caffeine để tỉnh táo sau khi uống rượu là một sai lầm.

Cách giải rượu đơn giản

Các chuyên gia dinh dưỡng cũng lưu ý, trong trường hợp sau khi uống rượu, cảm thấy đau đầu, buồn nôn, nôn mửa, mất kiểm soát hành vi… thậm chí là gây ngộ độc cho cơ thể, mọi người có thể dùng những nguyên liệu tự nhiên như nước ép cà, sinh tố trái cây, nước lọc, gừng… để tránh hoặc giải quyết cơn đau đầu, buồn nôn và những khó chịu của cơ thể.

Nước ép trái cây không chỉ bù lại lượng nước mất đi khi bị nôn, nước ép trái cây còn giúp bạn giải độc trong cơ thể do rượu gây ra. Những chất dinh dưỡng và khoáng chất trong nước ép trái cây, giúp làm mát gan, hồi phục cơ thể nhanh.

Ngoài ra, trong bữa ăn gia đình hay tiệc nhậu có thể chuẩn bị sẵn trái cây, rồi bày lên bữa nhậu để có thể ăn khi uống rượu, vừa là món nhậu ngon vừa tránh bị say rượu ngày Tết.

Theo Hà Minh (Tiền Phong)
https://tienphong.vn/bac-si-chi-cach-han-che-gay-hai-co-the-khi-uong-ruou-bia-post1505181.tpo
Copy Link
https://tienphong.vn/bac-si-chi-cach-han-che-gay-hai-co-the-khi-uong-ruou-bia-post1505181.tpo
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bác sĩ chỉ cách hạn chế gây hại cơ thể khi uống rượu, bia