Bác sĩ chỉ cách nhận biết và xử trí viêm mũi họng cấp ở trẻ

Nam Phong | 30/09/2023, 14:12
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

(GDTĐ) - Bác sĩ Hà Tố Như cho biết, thời điểm giao mùa, rất nhiều người mắc các bệnh lý tai mũi họng trong đó có viêm mũi họng cấp.

Chị Hương Ly (Minh Khai, Hà Nội) đưa con tới bệnh viện khám sau khi bé bị sốt, sổ mũi và ho nhiều ngày không khỏi. Chị cho biết con bị lây ốm từ bạn khi trở lại trường học. Ban đầu, chị nghĩ bé sẽ sớm khoẻ nhưng đến khi tình trạng con trở nặng chị mới vội vàng đưa con tới gặp bác sĩ.

Chia sẻ sau khi khám cho con của chị Ly, BSCK I Hà Tố Như hiện đang công tác ở Bệnh viện đa khoa An Việt cho biết, thời điểm giao mùa này rất nhiều người đến khám khi mắc các bệnh lý tai mũi họng trong đó có viêm mũi họng cấp. Đặc biệt là trẻ nhỏ khi bước vào năm học mới rất dễ lây từ bạn.

Theo BS Như, viêm mũi họng cấp là bệnh viêm đường hô hấp, cụ thể là ở mũi và hầu họng do sự tấn công của virus, vi khuẩn hoặc nấm. Trẻ nhỏ cùng người lớn tuổi có sức đề kháng kém thường dễ mắc bệnh hơn rất là những thời điểm giao mùa.

bs-nhu-2-.jpg
Bác sĩ Hà Tố Như cho biết, thời điểm giao mùa, rất nhiều người mắc các bệnh lý tai mũi họng trong đó có viêm mũi họng cấp.

BS Như cho biết, viêm mũi họng có những triệu chứng khá dễ nhận biết như người bệnh sẽ cảm thấy sức khoẻ giảm sút rõ rệt, mệt mỏi và thiếu năng lượng. Tiếp đó là sổ mũi, ho, chảy dịch mũi, đau rát họng, khô họng, khó nuốt…

Thông thường các triệu chứng khởi phát rầm rộ khoảng 3-5 ngày sau đó giảm dần, các triệu chứng như ho, đau họng hay chảy dịch mũi thường sẽ kéo dài hơn. Khi các triệu chứng này giảm dần, bệnh viêm mũi họng gần như sẽ được kiểm soát và người bệnh sẽ khỏi sau 1-3 ngày.

Về việc điều trị viêm mũi họng cấp, BS Như cho biết việc này phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh và hầu hết không cần phải điều trị phức tạp.

Với viêm mũi họng do virus không cần thiết phải điều trị bằng kháng sinh mà có thể dùng một số thuốc như thuốc giảm ho, giảm đau họng, chống ngạt mũi và xịt rửa mũi.

Với nguyên nhân do vi khuẩn hoặc do virus nhưng xuất hiện tình trạng bội nhiễmcần điều trị với kháng sinh liều phù hợp, thuốc thông mũi, thuốc giảm ho, thuốc hạ sốt…

BS Như lưu ý, ngoài việc dùng thuốc chữa viêm mũi họng cấp thì người bệnh có thể áp dụng một số cách để giảm các triệu chứng cũng như việc phụ thuộc vào thuốc như súc họng với nước muối, xông hơi, uống nước mật ong pha ấm, ngậm chanh đường mật ong… và nên nghỉ ngơi, uống nhiều nước khi bị bệnh.

Theo BS Như, viêm mũi họng cấp không phải là bệnh quá nguy hiểm nhưng nếu không được điều trị tốt vẫn có thể dẫn tới những biến chứng nguy hiểm như viêm cầu thận, thấp tim, thấp khớp…

Đặc biệt, ở trẻ nhỏ viêm mũi họng cấp có thể gây viêm lan rộng với các biến chứng nặng và kéo dài hơn như viêm xoang, viêm tai giữa, viêm phế quản… vì thế cha mẹ cần cẩn thận nếu các triệu chứng viêm mũi họng cấp ở trẻ kéo dài và nặng hơn.

Bài liên quan
Phòng và tránh các bệnh hay mắc vào mùa thu
(GDTĐ) - Mùa thu là mùa thời tiết mát mẻ, dễ chịu nhất trong năm. Nhưng mùa thu là thời điểm thời tiết có nhiều thay đổi, nhiệt độ ngày và đêm có thất thường, biến động lớn nên dễ khiến con người mắc bệnh nhiều hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bác sĩ chỉ cách nhận biết và xử trí viêm mũi họng cấp ở trẻ