Trong sáng nay, Sở Y tế tiếp tục mời những người này lên để trao đổi, 3 trong số 6 người trong danh sách đã đồng ý quay trở lại làm việc.
"Thời gian qua, Sở Y tế cũng đã phối hợp với các tổ chức đoàn thể như công đoàn, thanh niên tổ chức nhiều cuộc họp có sự tham dự của những bác sĩ này, mục đích là để động viên các bạn tiếp tục làm việc, vì những trường hợp này đa phần đều nằm trong danh sách "nguồn", đã được ngành y tế quan tâm đào tạo, phát triển để sau này làm lãnh đạo"- vị lãnh đạo cho hay.
Như trước đó Báo Người Lao động đã đưa tin, chiều 2-3, Sở Y tế tỉnh Bình Dương đã có văn bản số 560/SYT-VP đề nghị các cơ sở y tế trong và ngoài công lập không tiếp nhận, hợp đồng, tuyển dụng, đào tạo đối với 6 bác sĩ vi phạm cam kết với tỉnh Bình Dương. Trong công văn, Sở Y tế nêu rõ tên, năm sinh, nơi công tác của các bác sĩ trước khi nghỉ việc.
Lý do Sở Y tế Bình Dương đưa ra là các bác sĩ này vi phạm cam kết với tỉnh Bình Dương, nhiều bác sĩ nhận 400 - 420 triệu đồng tiền thu hút nhân lực của tỉnh Bình Dương và cam kết phục vụ nhưng tự ý nghỉ việc khi chưa đủ thời gian cam kết, chưa hoàn trả số tiền đã nhận.
Công văn này của Sở Y tế tỉnh Bình Dương đã nhận phản ứng từ dư luận. Nhiều người cho rằng phản cảm vì nếu các bác sĩ không thực hiện đúng cam kết có thể gửi đơn ra tòa án hoặc đưa văn bản nhắc nhở họ thực hiện theo quy định chứ không thể phát công văn đi toàn quốc…
Theo Nghị quyết số 05/2019 của HĐND tỉnh Bình Dương, bác sĩ về tỉnh được hỗ trợ một lần từ hơn 400 triệu đồng đến 600 triệu đồng ngay khi được tuyển dụng viên chức. Cụ thể: Tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa cấp II, bác sĩ nội trú là 600 triệu đồng; thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa cấp I là 500 triệu đồng; bác sĩ đa khoa, bác sĩ răng hàm mặt tốt nghiệp loại giỏi trở lên là 450 triệu đồng, tốt nghiệp loại khá là 420 triệu đồng và tốt nghiệp loại trung bình khá, trung bình là 400 triệu đồng. Ngoài ra, những người thuộc diện này còn được hưởng thêm tiền hỗ trợ thuê nhà ở, hỗ trợ hàng tháng từ 2 - 3,5 lần mức lương cơ sở và các hỗ trợ khác. |