Bài 1: Thực phẩm chức năng liệu đã được hiểu đúng hay chưa?

Hà Phương | 13/10/2023, 07:13
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

(GDTĐ) - Thị trường thực phẩm chức năng đang xuất hiện nhiều loại sản phẩm không đạt tiêu chuẩn chất lượng, nhưng được quảng cáo như “thần dược” hỗ trợ sức khỏe. Liệu chúng ta đã hiểu đúng về thực phẩm chức năng hay chưa?

tpcn.jpg
Thực phẩm chức năng liệu đã được hiểu đúng hay chưa?

Thực phẩm chức năng là gì?

Thông tư 08/2004/TT-BYT ngày 23/8/2004 về việc Hướng dẫn việc quản lý các sản phẩm thực phẩm chức năng, quy định:

Thực phẩm chức năng là thực phẩm dùng để hỗ trợ chức năng của các bộ phận trong cơ thể người, có tác dụng dinh dưỡng, tạo cho cơ thể tình trạng thoải mái, tăng sức đề kháng và giảm bớt nguy cơ gây bệnh.

Thực phẩm chức năng, tùy theo công dụng, hàm lượng vi chất và hướng dẫn sử dụng, còn có các tên gọi khác nhau như: thực phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng, thực phẩm bổ sung, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, sản phẩm dinh dưỡng y học.

Thông tư 08/2004/TT-BYT cũng quy định điều kiện để xác định là thực phẩm chức năng như sau: Những sản phẩm thực phẩm có bổ sung các chất dinh dưỡng như vitamin, muối khoáng và các chất có hoạt tính sinh học nếu được Nhà sản xuất công bố sản phẩm đó là thực phẩm chức năng, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền của nước sản xuất hoặc nước cho phép lưu hành, chứng nhận phù hợp với pháp luật về thực phẩm, có đủ các điều kiện theo quy định thì được coi là thực phẩm chức năng.

Các quy định về TPCN cũng đã được đưa vào Pháp lệnh Vệ sinh an toàn thực phẩm từ năm 2003 và Luật an toàn thực phẩm năm 2010, năm 2018.

Ngoài ra còn có Luật Dược, Luật tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật; luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Luật thương mại; Luật cạnh tranh; Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Luật Quảng cáo, và các văn bản hướng dẫn thi hành.Bộ Y tế cũng có nhiều thông tư hướng dẫn về việc sản xuất, phân phối và sử dụng thực phẩm chức năng.

Theo các quy định trên, không khó để xác định một sản phẩm là thực phẩm chức năng. Việc đưa vào quản lý chặt chẽ mặt hàng này là việc làm đúng đắn và cần thiết, giúp ổn định thị trường thực phẩm chức năng vốn là thị trường có sự phát triển vượt bậc, nổi trội trong nhiều năm qua.

Theo số liệu thống kê đã công bố những năm gần đây, thị trường thực phẩm chức năng toàn cầu có giá trị lên tới 124,8 tỷ USD, và dự kiến sẽ tăng trưởng tới 6,4% mỗi năm, đạt mức 210,3 tỷ USD vào năm 2026.

Từ chỗ chỉ có vài sản phẩm cuối thế kỷ XX, đến năm 2020, số lượng thực phẩm chức năng trên thị trường đã đạt đến trên 7.000 sản phẩm với sự tham gia của khoảng 3.500 doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thực phẩm chức năng.

Không những thế, thực phẩm chức năng đã phát triển mạnh về số lượng mặt hàng cả sản xuất trong nước và nhập khẩu. Doanh thu từ thị trường này trên toàn thế giới, đến năm 2022 có thể đạt 320 tỷ đô la Mỹ.

Trong nước, thị trường thực phẩm chức năng có sự tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm gần đây. Số liệu từ cục an toàn thực phẩm, cho thấy, Việt Nam có khoảng 30.000 sản phẩm thực phẩm chức năng được cấp phép lưu hành; hơn 70% số thực phẩm chức năng được tiêu thụ ở thị trường trong nước là hàng sản xuất trong nước, số còn lại là hàng nhập khẩu nước ngoài (Mỹ, Đức, Canada, Hàn, Nhật Bản...).

Việc “bùng nổ” phát triển thị trường thực phẩm chức năng đặt ra yêu cầu cấp thiết đối với các cơ quan quản lý nhà nước về việc kiểm soát chất lượng sản phẩm thực phẩm chức năng lưu hành trên thị trường.

Do vậy, Chính phủ ban hành Nghị định 15/2018/NĐ-CP, yêu cầu sau ngày 1/7/2019, tất cả các cơ sở sản xuất thực phẩm chức năng bắt buộc phải đạt tiêu chuẩn GMP (Good Manufacturing Practices – tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt).

Tiêu chuẩn GMP là hệ thống quy định chung hoặc những hướng dẫn đảm bảo nhà sản xuất luôn làm ra sản phẩm đạt chất lượng đăng ký và an toàn cho người sử dụng.

Đến nay, Việt Nam đã có 269 cơ sở sản xuất đạt tiêu chuẩn GMP (số liệu cập nhật ngày 31/7/2022 của Cục quản lý Dược).

Tuy nhiên, bằng nhiều cách khác nhau, thị trường thực phẩm chức năng đang xuất hiện nhiều loại sản phẩm không đạt tiêu chuẩn chất lượng, nhưng được quảng cáo như một “thần dược” hỗ trợ sức khỏe.

Thậm chí, có sản phẩm còn được quảng cáo là có thể hỗ trợ điều trị một số loại bệnh nguy cơ cao như ung thư, Covid-19... mà không có tác dụng phụ.

Chính vì “không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh” nên người dùng tin rằng, nó không có hại mà chỉ có lợi cho sức khỏe.

Thêm vào đó, hệ thống phân phối “tới tận tay người tiêu dùng” theo hình thức đa cấp, cung cấp và hướng dẫn sử dụng tại nhà qua đội ngũ cộng tác viên, mở rộng thị trường bằng “những người quen biết” lại càng khiến việc mua bán, sử dụng thực phẩm chức năng ngày càng dễ dàng hơn.

Sự thật thì chất lượng của sản phẩm ra sao, chỉ có người sản xuất mới biết được.

tpcn-7.jpeg
Cần lưu ý các nhóm chính của thực phẩm chức năng.

Các nhóm chính của thực phẩm chức năng

Thực phẩm chức năng có 4 nhóm chính:

- Thực phẩm bổ sung (food supplement): bổ sung vi chất và các yếu tố có lợi cho sức khỏe như vitamin, khoáng chất, probiotic.

- Thực phẩm bảo vệ sức khỏe (health supplement): là sản phẩm được chế biến dưới dạng viên nang, viên hoàn, viên nén, cao, cốm, bột, ống có chứa vitamin, khoáng chất, axit amin, axit béo, enzym, probiotic và chất có hoạt tính sinh học khác.

Hoạt chất sinh học có nguồn gốc tự nhiên từ động vật, chất khoáng và nguồn gốc thực vật ở các dạng như chiết xuất, phân lập, cô đặc và chuyển hóa.

- Thực phẩm dinh dưỡng y học (medical supplement, medical food) là loại thực phẩm có thể ăn bằng đường miệng hoặc bằng ống xông, được chỉ định để điều chỉnh chế độ ăn của người bệnh và chỉ được sử dụng dưới sự giám sát của nhân viên y tế.

- Thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt (food for special dietary uses): dùng cho người ăn kiêng, người già và các đối tượng đặc biệt khác theo quy định của Ủy ban tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (CODEX).

Và là những thực phẩm được chế biến hoặc được phối trộn theo công thức đặc biệt nhằm đáp ứng các yêu cầu về chế độ ăn đặc thù theo thể trạng hoặc theo tình trạng bệnh lý và các rối loạn cụ thể của người sử dụng. Thành phần của thực phẩm này phải khác biệt rõ rệt với thành phần của những thực phẩm thông thường.

Trên thực tế, cùng với sự ra đời và sử dụng rộng rãi của thực phẩm chức năng, tỷ lệ thiếu hụt chất dinh dưỡng trên toàn cầu đã giảm đáng kể. Ví dụ: sau khi bột mì được bổ sung thêm chất sắt được đưa vào sử dụng, tỷ lệ thiếu sắt ở trẻ em đã giảm gần một nửa. Thêm iod vào muối trắng tỷ lệ bệnh nhân bướu cổ giảm rõ rệt.

Các đối tượng dễ bị tổn thương như phụ nữ có thai và cho con bú, trẻ em, người mắc bệnh nền, bệnh mãn tính đang điều trị với nhiều thuốc cùng lúc cần thận trọng, không nên sử dụng thực phẩm chức năng tùy ý hay theo kinh nghiệm truyền miệng vì một số thực phẩm chức năng hiện nay vẫn chưa được chứng minh về tính an toàn cho các đối tượng trên.

(Còn tiếp)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bài 1: Thực phẩm chức năng liệu đã được hiểu đúng hay chưa?