Thật ngạc nhiên khi lời nói đầu của cuốn truyện 'Lũ trẻ hư nhất quả đất' có dòng khuyến cáo in hoa 'ĐỪNG ĐỌC'...
Thậm chí còn “kêu gọi cấm tiệt” bởi lý do: “Cuốn sách tồi tệ này sẽ cho lũ trẻ rất nhiều và rất nhiều ý tưởng để trở nên nghịch ngợm hơn chính bản thân chúng bây giờ, mà một số đứa vốn đã cực kỳ nghịch ngợm rồi”.
Nhưng sự thật thì, tác phẩm này đã trở thành bestseller hài hước số một nước Anh và có nhiều bài học đáng lưu tâm.
Một đặc điểm không thể thiếu trong tất cả các tác phẩm của David Walliams chính là sự hài hước rất duyên dáng. Trong “Lũ trẻ hư nhất quả đất 1”, độc giả được gặp nhiều nhân vật mang các tật xấu cùng yếu tố gây cười đến phi lý nhưng vẫn có lý để rồi khó ai quên được những Nigel nhóc chấy, Bertha khóc oa oa, Peter ngoáy mũi, Petula chuyển động không ngừng… Bởi lẽ, tất cả những đứa trẻ được tái hiện không hề hư một cách “thông thường” như mọi người suy nghĩ mà là những kiểu hư “không tưởng”.
Bắt đầu từ Nigel nhóc chấy, cậu bé này hư đến nỗi không chỉ dừng lại ý tưởng trở thành “ác nhân” trong mơ mà nỗ lực trở thành hiện thực, tạo nên nỗi kinh hoàng cho trường học, khu phố. Nhân tố giúp cậu hiện thực hóa giấc mơ quái dị đó không có gì là cao siêu, bí hiểm mà chỉ đơn giản là… chấy: “Có chấy đúng là PHIỀN PHỨC.
Nhưng đối với Nigel thì không. Nigel là một cậu bé mà trên đầu có bao nhiêu chấy cũng không đủ. Cậu muốn trên đầu phải lúc nha lúc nhúc chấy rận cơ”. Khác với mọi người, khi trên đầu xuất hiện một con chấy, họ sẽ bắt hoặc đi khám để tránh cho chúng sinh sôi, Nigel lại nâng niu hết mực, như thể là… thú cưng: “Cậu gọi con chấy đó là NGÀI HENDERSON.
Nhóc Nigel không nuôi chó, mèo hay chuột lang, nên cậu đối xử với con chấy đó y như thú cưng vậy. Cậu luôn để ý không bao giờ chải đầu (chấy rận ghét lược). Không lâu sau, tóc của Nigel đã trở nên xoăn tít và rậm rạp như một bụi cây bự chảng”.
Bắt đầu từ ngài Henderson, Nigel tiến hành công cuộc nhân giống đội quân chấy trên đầu mình bằng cách “cướp” chấy từ các bạn trong trường. Thật buồn cười khi chứng kiến khung cảnh “tên cướp” hung hãn dồn rồi húc đầu vào đầu nạn nhân để “cướp” chấy. Ngay cả chú mèo của trường, Nigel cũng không tha.
“Tới khi tóm được chú mèo, cậu dùng băng dính dán chặt Minky lên đầu mình. Nói đó là bộ tóc giả chắc không ai tin. Nhưng gì thì gì, từng con rận trên người chú mèo đều nhảy hết sang đầu Nigel”. Thế là, từ khoảnh khắc “dân số” chấy trên đầu rất hùng hậu, Nigel bùng nổ ý tưởng trở thành “ác nhân”.
Như mọi đứa trẻ khác khi mong ước trở thành người có siêu năng lực, cậu đã tự làm ngay cho mình bộ trang phục “ngầu lòi” tựa như người nhện với các loại phụ kiện tận dụng từ quần áo của bố mẹ và đi “tàn phá” thế giới. Tất nhiên rồi, những người đầu tiên phải hứng chịu cơn “thịnh nộ” của Nigel chính là thầy Drumhum dạy Địa lý, bà Droop phục vụ bữa ăn trưa và thầy hiệu trưởng.
Sau đó, cơn lốc chấy bắt đầu càn quét ra đường phố gây những thiệt hại không hề nhỏ. Chỉ tiếc rằng, ác nhân nào rồi cũng sẽ bị đánh bại, vì vậy giấc mơ trở thành ác nhân của Nigel sớm kết thúc. Tuy nhiên, cậu bé vẫn tiếp tục ấp ủ khát vọng được trở thành ác nhân khi “nuôi mụn cóc”. Biết đâu đấy, Nigel lại thành công.
Peter thì lại khác. Cậu ta có đam mê ngoáy mũi để hướng tới việc thiết lập kỉ lục viên gỉ mũi vĩ đại bậc nhất thế giới. Chắc hẳn khi được gặp Peter, độc giả nhí sẽ không khỏi thích thú khi mà cậu ta cũng giống rất nhiều cô bé, cậu bé khác. Ai mà chẳng có thời vô thức đưa tay lên ngoáy mũi, phải không? Chỉ có điều là, đam mê của Peter lại có hại vô cùng.
“Vào lúc câu chuyện của chúng ta bắt đầu, quả cầu gỉ mũi đó (hay gọi vắn tắt là GỈ MŨI CẦU) đã đạt đến kích thước của một tiểu hành tinh”. Thật là khủng khiếp khi tiểu hành tinh gỉ mũi này “xổng chuồng” và lăn đi trên phố, nó nuốt mọi thứ trên đường và đã chu du nguyên một vòng Trái đất trước khi nuốt nốt luôn người tạo ra nó.
Với Drew, tiếng cười được tập trung vào đặc điểm nhận dạng: “Drew chảy dãi nhiều ơi là nhiều. Không phải là kiểu chảy dãi thường thấy, như giọt nước dãi chảy dọc xuống cằm ấy đâu. Không hề, nói chảy dãi ở đây là chảy dãi trên QUY MÔ SẢN XUẤT CÔNG NGHIỆP cơ”.
Drew có một biệt tài chính là: “Nếu có thể, chắc cậu ngủ luôn 24 giờ một ngày, 7 ngày một tuần, 365 ngày một năm mất” chỉ vì “cậu là một đứa lười siêu phàm”. Và tất nhiên trong lúc ngủ, cho dù ở bất kì đâu, cậu thường chảy dãi: “Khi Drew ngáy trong lớp, cậu nhỏ dãi đầy ra bàn”.
Đáng ra, cậu bé Drew vẫn tiếp tục xếp bét lớp, vẫn ngủ trong giờ và chảy dãi trong sự bất lực của thầy cô thì biến cố bất ngờ đã xảy ra. Trong chuyến đi tham quan bảo tàng, vì ngủ quên mà Drew đã vô tình tạo ra dòng lũ nước dãi cuốn phăng các hiện vật và “nhờ” đó mà cậu ta hoàn thành xuất sắc bài tập để xếp đầu lớp.
Chỉ thật buồn là: “Để phạt cậu vì đã hủy hoại mọi thứ trong Bảo tàng Lịch sử tự nhiên, Drew bị bắt làm việc ở đó. Việc của cậu là ghép lại bộ xương Diplodocus đã được vớt lên từ dưới đáy biển. Cậu không được dừng tay cho đến khi bức xếp hình khổng lồ được hoàn thành. Drew Chảy Dãi không được ngủ giấc nào trong suốt mười năm tiếp theo”.
Chuyện của Sofia cũng vô cùng hài hước. Chẳng là, cô nàng mê đắm xem tivi cả ngày, “chẳng bao giờ đến trường, hay phụ giúp mẹ việc nhà hay thậm chí là đứng dậy ra ăn tối ở bàn” nên trở thành “quái nhân ghế xô pha”.
Sở thích này của cô bé được người mẹ nghèo khổ chiều chuộng hết mực nhưng rồi cũng đến lúc bà quyết định nhấc Sofia khỏi ghế. Nhưng điều đó là không thể khi cô bé đã dính chặt vào ghế, thậm chí còn “không có cách nào để nhận biết được đâu là cô bé và đâu là chiếc ghế nữa”.
Có thể thấy, mỗi câu chuyện nhỏ là một tình huống gây cười sảng khoái, thoải mái, tự nhiên về những vấn đề tưởng rất oái oăm, dị biệt song thực tế thì dường như cô bé, cậu bé nào cũng có thể gặp phải.
Nghệ thuật chọc cười này tạo sức cuốn hút tài tình, khéo léo để bọn trẻ không thể rời trang sách. Đi kèm đó còn là các bức tranh màu sinh động của Tony Ross cùng những con chữ to - nhỏ, đậm - nhạt thậm chí là lộn ngược cứ như thể đang nhảy múa đầy tinh nghịch, không khiến trẻ bị chán mắt.
Trong số mười câu chuyện được kể trong “Lũ trẻ hư nhất quả đất 1”, độc giả có thể bắt gặp những câu chuyện với cốt truyện cùng các yếu tố hài hước tưởng là vô thưởng vô phạt nhưng lại ẩn chứa nhiều thông điệp ý nghĩa.
Trở lại với câu chuyện về Peter ngoáy mũi. Quả cầu gỉ mũi được tạo ra bởi cái sở thích xấu xí ấy gây ra sự kinh hoàng với cả Trái đất nhưng sau cùng bị nữ hoàng, đội cận vệ nã pháo phá hủy.
Riêng với tác giả của nó - Peter đã phải trả giá “bị mắc kẹt trong một đống lớn nhầy mũi. Đống nhầy này bay vút đi rồi hạ cánh trên chóp của thánh đường St.Paul”, “Peter Ngoáy Mũi cứ vậy mắc kẹt trên đỉnh chóp suốt phần đời còn lại, ở tư thế lộn ngược trên chính quả cầu nhầy mũi khổng lồ mà cậu tạo ra”.
Câu chuyện trên quả là một cảnh báo kịp thời cho những đứa trẻ về tác hại của việc ngoáy mũi. “Và đó là điều dĩ nhiên có thể trở thành sự thật nếu BẠN ngoáy mũi. Lần sau, xì mũi ra đi nhé”. Tác giả David Walliams kết chuyện bằng một lời nhắc nhở như vậy.
Ở “Charlie chúa chọi”, ta được thấy “gậy ông đập lưng ông” thật đã từ cô bé Gemma dành cho ông anh trai Charlie chuyên lấy ném bóng tuyết tấn công mọi người làm thú vui. Để làm cỗ máy “siêu chọi”, Charlie không hỏi mượn mà tự ý lấy nhiều thứ của em gái như: Bánh xe giầy patin, đồ chơi lò xo, búp bê… thậm chí bế Gemma đang ngủ để đặt vào cho máy hoạt động. Nhưng, dù bị chơi xấu, cô bé vẫn không muốn Charlie “bị mắc kẹt trong quả bóng tuyết mãi mãi” nên cất tiếng cầu cứu: “Kéo anh ấy ra ngoài với”.
Ngoài ra, trong “Lũ trẻ hư nhất quả đất 1” còn có câu chuyện của cô bé Bertha Khóc Oa Oa là một điển hình cho bài học về lòng trung thực. Hình ảnh đầu tiên về cô bé Bertha kèm theo chú thích rõ ràng “tuyến lệ bự tổ chảng, cái mồm to bự để khóc lóc la lối, những ngón tay dính đầy sô-cô-la và bánh kem”, đã cho độc giả biết được đôi nét về cô bé trước khi bước chân vào câu chuyện.
Thật vậy, “BERTHA LÀ MỘT CÔ BÉ HAY KHÓC OA OA”. Cô mít ướt. Cô gào rú. Cô cứ khóc thét lên mãi. Chỉ mới tám tuổi thôi, nhưng hẳn cô bắt đầu biết khóc oa oa từ năm lên một rồi. GI GỈ GÌ GI cái gì cũng đều làm cô khóc ầm lên được”.
Không chỉ có khả năng khóc to, khóc nhiều, Bertha còn có khả năng làm một việc khác rất giỏi, nhưng điều này lại cực kì xấu xa, đó chính là ăn vạ và đổ tội: “Cô bé có một đứa em trai tên là William. Từ cái ngày cậu bé được sinh ra Bertha đã luôn cư xử tàn bạo với cậu. Cô ghét việc bố mẹ giờ đây không còn để ý tới mình nữa. Rồi một ngày kia Bertha khám phá ra một điều thật tuyệt vời. Cô có thể khóc lóc và đổ hết tội lỗi lên đầu đứa em trai. Và cô càng khóc thì mọi người càng chú ý đến cô hơn”.
Đối với Bertha, việc khóc lóc và ăn vạ thật là “một công đôi việc” khi mà cô có thể thỏa mãn đam mê khóc của mình cũng như được nhận “GẤP ĐÔI món tráng miệng!”. “Cô yêu món tráng miệng. Còn hơn cả việc khóc nữa”.
Người đọc có thể tìm thấy được chi tiết: “Cậu bé William vẫn thường đọc sách hoặc chơi một cách yên tĩnh, đeo nút bịt tai. Cuộc đời cậu bé từ khi sinh ra đã phải sống chung với tiếng khóc lóc mè nheo, nên để có thể sống yên ổn cậu bé đã nặn những viên kẹo dẻo thành nút bịt lỗ tai”, cho thấy em của Bertha đã bị chị hành hạ như thế nào.
Nhiều lần, Bertha đã thành công và chiếm được suất tráng miệng của William. Thế nhưng, “đi đêm lắm có ngày gặp ma”, cô bé đã bị phát giác và tất nhiên tất cả độc giả sẽ thật hả hê giống như William khi thấy cô bé hay nói dối và ăn vạ không chỉ bị phạt cắt món tráng miệng đến cuối đời mà còn tự tay gây ra cái đầu trọc lốc xấu xí.
Rõ ràng, cùng với sự hài hước nhiều khi khó tin nổi vì sao lại có chuyện đó thì tác giả còn gửi gắm tới độc giả nhỏ tuổi bài học về lòng trung thực rất ý nghĩa này cũng như cách đối xử của cha mẹ với con cái phải cân bằng.
David Walliams là diễn viên hài kịch và nhà văn thiếu nhi nổi tiếng, từng góp mặt trong nhiều bộ phim và chương trình tivi, trong đó có “Doctor Who” và “Britain’s Got Talen”. Ông tốt nghiệp Đại học Bristol chuyên ngành Kịch nói vào năm 1992 và nổi tiếng từ chương trình hài kịch Little Britain của đài BBC. Vậy nên cũng thật dễ hiểu khi tác phẩm của Walliams đều mang màu sắc vui tươi, hóm hỉnh nhưng cũng ẩn chứa thật nhiều ý nghĩa. “Lũ trẻ hư nhất quả đất 1” dày 270 trang cũng là một trong số đó.