Ông Võ Trung Mạnh chia sẻ, 10 bức tranh này phản ánh về cây quốc bảo - sâm Ngọc Linh, văn hoá Xơ Đăng độc đáo cùng những thắng cảnh tuyệt đẹp. Bên cạnh đó, các bức tranh cũng thể hiện khát khao xây dựng mái trường hạnh phúc, đất nước ấm no.
Những bức tranh được đưa đi đấu giá nằm trong Cuộc thi và Triển lãm nghệ thuật “Thắp sáng ước mơ” cho cán bộ, giáo viên, học sinh mà Phòng GD&ĐT huyện Tu Mơ Rông phát động. Tại đây các trường tổ chức cho giáo viên và học sinh dùng sơn dầu, màu nước vẽ lên đá, ván, tre, nứa. Nội dung vẽ có chủ đề về ước mơ xây dựng quê hương, văn hoá, con người, phong tục tập quán… Tu Mơ Rông.
“Chứng kiến học sinh Xơ Đăng dù còn khó khăn nhưng đã có ý thức lá lành đùm lá rách khiến tôi rất vui. Kết thúc phiên đấu giá, 10 bức tranh được bán với tổng số tiền 125 triệu đồng. Số tiền này, huyện sẽ đưa vào quỹ khuyến học, quỹ vì người nghèo để hỗ trợ sớm nhất cho những trường hợp thật sự cần”, ông Mạnh nói.
Cũng theo Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông, thông qua cuộc thi, huyện đã phát hiện nhiều học sinh người Xơ Đăng có năng khiếu hội hoạ. Do đó, thời gian tới, địa phương sẽ có hướng bồi dưỡng để các em có thể phát huy tài năng của mình.
Giáo viên và học sinh tạo ra sản phẩm mới, thú vị trên vật dụng quen thuộc. |
Còn bà Phạm Thị Trung, Giám đốc Sở GD&ĐT Kon Tum cho hay, giáo viên và học sinh Tu Mơ Rông vẽ tranh trên đá là một hoạt động nghệ thuật độc đáo. Qua đó, giúp cho học sinh hiểu được vẽ đẹp tự nhiên, tạo ra sản phẩm mới, thú vị trên vật dụng quen thuộc. Không những vậy, hoạt động này làm tăng khả năng sáng tạo, giúp nhà trường và các em phát hiện năng khiếu. Nếu phát triển và định hướng tốt có thể trở thành sản phẩm du lịch của huyện.
“Sở GD&ĐT có định hướng phát triển sản phẩm du lịch thân thiện, bền vững có thể tái tạo, như: tranh gạo, thủ công mỹ nghệ…. Từ đó tạo ra những sản phẩm du lịch đặc sắc, đáp ứng nhu cầu khách hàng và mang nét đặc trưng của địa phương”, bà Trung nói.