Tuổi của lao động rút BHXH một lần ngày càng trẻ
Báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội gửi Ủy ban Xã hội Quốc hội, năm 2021 số người được giải quyết trợ cấp một lần là hơn 1,06 triệu người, tăng hơn 77.000 người so với năm 2020. 97% người chọn rút một lần là lao động sau một năm nghỉ việc không đóng BHXH.
Tỷ lệ này ở nữ giới trên 55%, cao hơn nam giới. Tuổi của lao động rút BHXH một lần ngày càng trẻ, dưới 40, trong đó phần lớn 20-30, chủ yếu ở khu vực ngoài nhà nước
Một bạn đọc tên Hoa chất vấn: "Tại sao không tìm phương án thu hút người dân để càng lâu càng có lợi cho tuổi về già? Tại sao BHXH không thiết lập các mức phúc lợi để người lao động lựa chọn? Ví dụ chưa đủ tuổi hưu nhưng đủ 20 năm thì sẽ có phúc lợi gì?".
Bạn đọc Võ Thị Kim Phượng đề xuất: "Nên linh động về tuổi nghỉ hưu. Cứ quy định đóng bảo hiểm bao nhiêu năm tối thiểu thì được hưởng lương hưu. Đừng quy định cứng nhắc tuổi đời. Hưởng sớm thì lương hưu ít hưởng trễ thì lương hưu cao. Có như vậy người dân mới không ồ ạt rút bảo hiểm".
Bạn đọc Trương Duy Hưng lý giải "Tại mất việc cả năm mới phải rút. Chứ cứ có việc làm thì ai rút làm gì, nghỉ không có việc, không thu nhập thì lấy tiền đâu mà đóng".
Theo một bạn đọc tên Thành, 14% nếu không đóng cho BHXH thì doanh nghiệp cũng sẽ trả cho người lao động. Vậy thì tiền nào cũng là tiền của người lao động cả mà.
Một bạn đọc giấu tên nói: Luật BHXH là muốn tốt nhất cho người lao động, vậy sao mỗi lần thay đổi luật BHXH lại nhận được phản ứng trái chiều từ người lao động, phải chăng luật BHXH chưa giải quyết được nguyện vọng của người lao động Thời đại 4.0 xin đừng nằm chiêm bao rồi ban hành những quy định không sát thực tế.
Mỗi người đều có 1 mã BHXH riêng, cứ làm cuộc khảo sát đồng ý hay không đồng ý, không nên tốn giấy mực và thời gian thảo luận 1 vấn đề không thực tế. Lương tối thiểu hiện nay chưa đủ sống và 1 phần tích lũy nên sẽ không ngăn được chuyện người lao động rút BHXH 1 lần để đủ sống.