Nghĩa kể chuyện học, tôi nói chuyện nhà. Hai thằng rì rầm chuyện trò bất cứ khi nào có dịp.

Bọn tôi thường đá bóng tới tối mịt mới xuống nhà ăn thèm nước rau như ruộng khô chờ nước vậy, chứ có ai nghĩ sẽ kết duyên đâu. Tôi đưa mắt ngóng vào trong nhà. Bà Lý chắc là nghe gọi thế nên nhanh nhẹn bước ra, miệng vẫn tươi, dáng hình còn óng ả.

- Ôi. Em chào anh Thi. Lâu quá rồi bọn lính sư bộ mình mới gặp nhau. Mà làm sao anh biết được vợ chồng em ở đây mà đến?

- Tôi đến để viết bài. Chẳng dè lại là ông bạn - Tôi đứng dậy giơ tay ra bắt - Lý vẫn đẹp như hồi xưa chẳng thay đổi gì mấy.

- Anh cứ nói thế - Bà Lý cười xua tay - Không có anh Nghĩa chắc có lẽ em còn đang ế đấy - Bà Lý ghé đầu vào vai ông Nghĩa - Anh Nghĩa nhỉ.

Bấy giờ vẻ mặt ông Nghĩa chợt giãn ra. Nó chứng tỏ ông đang tự hào, chứng tỏ điều tôi chưa kịp nói “Cặp này hợp hòa với nhau lắm”.

***

Có lần, tôi sang chỗ Nghĩa chơi. Thấy Nghĩa đang xoay trần tắm cho lợn và dọn phân lợn. Nhìn cái thằng người gày gò, chân không lội trong nước phân hôi rình, tôi phát ngán.

Nghĩa quệt tay gạt mồ hôi trên trán hỏi: “Mày còn thích chuyển nữa không?”. Tôi lắc lắc đầu đang định quay đi thì thấy mấy “thím nhà bếp” ríu rít lại gần. Lý cũng đi trong số đó. Hôm nay các “thím” sang khu tăng gia để nhận rau mang về bếp.

Các “thím” này lạ thật đấy. Dịp nào sang nhận rau cũng “mò” đến chuồng lợn, nói là thăm lợn xem tháng này tăng mấy cân nhưng kỳ tình các “thím” đến để nghe anh Nghĩa kể chuyện. Tôi khó chịu ra mặt “Thằng chăn lợn hôi mù mà các em vẫn thích, kể cũng lạ”.

Bữa nay, các “thím” bảo nhau chuyển nước giúp anh Nghĩa rửa chuồng lợn. Các em cười nói râm ran. Nghĩa đứng giữa chuồng lợn chẳng ngại ngùng cái thân hình càng nhàng của mình, chẳng ngại gì mùi phân nồng nặc.

Cậu chàng cười nói hỉ hả. Thực tình, Nghĩa có khả năng kể chuyện tiếu lâm. Những chuyện Nghĩa kể làm các “thím” phải đặt vội xô nước xuống để cười ngặt nghẽo.

Lạ thế, “thằng chăn lợn” vẫn oang oang, nó kể đến đoạn Trạng Quỳnh yêu cầu lũ lính nếu có ỉa ở vườn rau của nhà Trạng theo lệnh Vua thì cứ ỉa nhưng ỉa không được đái, rồi Nghĩa mặt tỉnh queo hỏi như không: “Các em thấy cấm như thế có ai làm được không?”. Mấy “thím” lần này quay mặt đỏ nhừ sang hướng khác, cười chảy nước mắt.

- Ông cưa em Lý kiểu như vậy à? - Tôi thật thà hỏi.

- Đâu có - Lần này thì ông Nghĩa nghiêm túc - Năm còn nhớ chứ, cuối năm 1978 tao được ra quân. Phải nói là ông cụ nhà tao không đột ngột mất thì chắc gì được ra quân, lúc ấy tình hình biên giới căng lắm, rồi cấp trên đâu có cho ai xuất ngũ.

Mày đấy, mày thôi làm “bôi sĩ” chuyển xuống đơn vị làm Trung đội trưởng - Ông Nghĩa thầm thì - Nhà tao có mỗi tao là con trai, các chị lấy chồng xa, bà mẹ thì ốm liên miên, xã thương hoàn cảnh làm cái giấy gửi về sư bộ xin cho tao về làng.

- Ông ra quân chứ nếu ở lại chí ít cũng là Đại tá. Lương hưu rủng rỉnh, cần gì nuôi lợn.

- Về làng chăm mẹ được hơn năm thì bà cụ theo ông cụ mà đi. Tao thấy buồn quá lại túng nữa nên theo mấy thằng trong làng đi “đánh than”. Làng tao ở bên sông Đuống mà. Đêm tối những chuyến sà lan ì ạch chở than ngang qua thì bọn tao chèo thuyền đuổi theo, lặng lẽ áp mạn.

Bọn tao vừa cho thuyền đi theo sà lan vừa thò xẻng vào đống than. Than được xúc nhanh xuống thuyền. Xúc kha khá thì bọn tao rời sà lan, chèo thuyền vào bờ bán cho cánh thu mua đã chờ sẵn. Bữa ít bữa nhiều. Có bữa bị công an huyện bắt về nhốt mấy đêm.

Than ăn trộm mà - Ông Nghĩa ngừng kể. Lại trình tự những thao tác với chiếc điếu cày. Thả một hơi khói dài rồi mới chậm rãi kể tiếp - Sau cái lần bị công an huyện bắt nhốt một đêm cho muỗi cắn sưng người, tao chừa tiệt chuyện “đánh than” nhưng vẫn bí lối làm ăn.

- Rồi sao nữa? - Tôi sốt ruột.

- Một lần tao lang thang ở thị xã Hải Dương, làng tao tuy thuộc tỉnh Bắc Ninh nhưng giáp với huyện Cẩm Giàng. Người làng tao thường sang thị xã Hải Dương vì gần và tiện hơn về thị xã Bắc Ninh, thì tình cờ gặp em Lý.

Lý nhác trông thấy tao liền gọi: “Anh Nghĩa phải không? Đúng là anh Nghĩa rồi”. Tao giật mình nhìn lại và nhận ra Lý nhưng thấy xấu hổ vì sự nhếch nhác của mình nên bèn như không phải, vội vàng đi nhanh. Lý đuổi theo, em kéo vạt áo giữ tao lại.

Lý bảo: “Anh có văn hóa lớp mười rồi. Đi thi đại học đi”. Mày thấy có ngượng không chứ - Ông Nghĩa quay sang bà Lý - Hôm đó không tình cờ gặp lại bà lên tỉnh hỏi cách thức đăng ký thi đại học thì đâu có hôm nay. Bà Lý nhỉ”. Bà Lý lại đưa tay véo vào mạng sườn ông Nghĩa.

- Sao hai bạn không đi làm ở cơ quan nào?

- Hì hì - Ông Nghĩa quay đầu sát vào đầu bà Lý. Bà Lý ý tứ ngồi thẳng người - Em Lý lại mau mắn mới chết chứ. Cưới nhau đầu năm thì cuối năm bà ấy cho ra lò một lúc hai cô thị mẹt. Sinh đôi mà. Chắc là có trải qua quân ngũ nên nó mới khí thế như thế.

Ông Nghĩa cười hồn nhiên. Bà Lý hình như ngường ngượng lại đưa tay véo mạng sườn chồng.

Thì ra, lần hồi mưu sinh ở quê nhà Lương Tài chục năm trời mà vẫn khó khăn, bà Lý mới thủ thỉ: “Vợ chồng mình đều là kỹ sư chăn nuôi, mà anh hồi ở bộ đội cũng có kinh nghiệm hơn ba năm chăn lợn. Hay là mình làm chăn nuôi trang trại đi anh”.

Ban đầu ông Nghĩa chưa chịu. Lý do đơn giản là ở làng ông khó có địa điểm để xây dựng chuồng trại. Bà Lý lại tỉ tê: “Vợ chồng mình sang Khoái Châu quê em. Bên ấy đất thuận lợi hơn. Con cái có lên Hà Nội học cũng gần”.

- Thú thực với thằng bạn chứ Lý nói vậy tao thấy băn khoăn. Đường đường là thằng đàn ông mà phải nhờ “đất” quê vợ nghe sao sao ấy.

- Nhưng rồi.

- Tao băn khoăn mấy đêm suy tính. Cho đến một đêm mệt quá vào giường nằm cạnh bà Lý, Lý vòng tay ôm ngang lưng mình thủ thỉ: “Ở đâu tiện cho cuộc sống thì ở anh ạ”. Nghe câu ấy tao thấy thương vợ, thương con mà mình chưa làm gì ra tấm ra miếng cả nên mới quyết định “bỏ làng mình theo về làng vợ”.

Thế rồi ông Nghĩa bán mảnh đất cùng ngôi nhà ven đê sông Đuống do bố mẹ để lại lấy tiền làm vốn. Hai vợ chồng bồng bế con cái sang Khoái Châu. Ban đầu tá túc nhờ nhà vợ, đâu như chừng ba tháng thì ông quyết định thuê mấy sào ruộng ngoài đồng Bưng, dựng căn nhà nhỏ và nuôi lợn.

Được cái hợp đất mát tay nên chỉ hai năm sau vợ chồng ông Nghĩa đã có của ăn của để. Ông Nghĩa tính làm ăn lớn, vay thêm vốn ngân hàng đầu tư xây dựng chuồng trại bài bản. Đúng là có học lại có chí nữa nên phát đạt trông thấy.

- Nhờ trời - Ông Nghĩa chân thật - Nhờ trời nên được lộc mày ạ.

- Ông đúng là “nuôi lợn” có “truyền thống” - Tôi cười - Truyền thống kết hợp với kiến thức sẽ thành đại gia.

Nắng trưa hanh vàng. Bà Lý đã dọn xong mâm cơm. Mùi gạo mới thơm dậy quyện với mùi nhãn chín thơm lừng. Có lẽ tôi còn phải “tỵ” với Nghĩa lâu lâu đây.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/ban-linh-post623461.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/ban-linh-post623461.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bạn lính