“Tôi vẫn cố gắng duy trì đàn lợn dù đang còng lưng gánh lỗ. Những trang trại nhỏ lẻ nay hầu hết đều đã giảm đàn, có người xuất bán lợn rồi không vào đàn mới nữa”, ông nói. Bởi, giá lợn không những rẻ mà còn ế ẩm, trong khi thị trường chưa có dấu hiệu phục hồi.
Hiện, giá lợn hơi xuất chuồng tại các địa phương dao động từ 48.000-50.000 đồng/kg; một vài tỉnh, thành phố duy trì ở mức 51.000-52.000 đồng/kg.
Thị phần đàn lợn rơi vào tay doanh nghiệp
Trao đổi với PV VietNamNet, ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai, cho hay, với mức giá từ 48.000-52.000 đồng/kg lợn hơi xuất chuồng, người chăn nuôi gánh lỗ nặng. Trang trại tự túc được con giống giá thành lợn hơi phải ở mức 55.000-57.000 đồng/kg, còn mua lợn giống thì giá thành lên tới trên 60.000 đồng/kg.
Theo ông Đoán, từ cuối năm 2020 đến nay, giá thức ăn chăn nuôi đã tăng 40%, giá thuốc thú y tăng từ 15-20%, còn giá lợn hơi ngày một giảm. Do đó, người nuôi lợn một thời gian dài gồng lỗ.
“Dự báo, giá lợn hơi năm nay sẽ rất khó khăn vì cung đang vượt cầu”, ông nói.
Thống kê cho thấy, tổng đàn lợn của nước ta hiện nay đạt gần 29 triệu con. Các hộ nông dân nhỏ lẻ không cầm cự được vì thua lỗ kéo dài nay đã giảm đàn hoặc treo chuồng.
Trước doanh nghiệp chỉ nắm 30% thị phần đàn lợn ở nước ta, còn đàn lợn trong nông hộ chiếm 70%. Nay con số này đảo ngược, 70% thị phần đàn lợn rơi vào tay doanh nghiệp. Ông cho rằng, khi doanh nghiệp nắm thị phần ngành chăn nuôi, họ sản xuất ở quy mô lớn sẽ có lợi về vấn đề đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nhưng nông dân mất dần kế sinh nhai.
Tuy nhiên, thực trạng ở nước ta hiện nay, chuỗi chăn nuôi của doanh nghiệp nội chưa lớn mạnh nếu không muốn nói là khá yếu, trong khi doanh nghiệp ngoại nguồn lực rất mạnh nên thâu tóm thị phần nhanh hơn. Về lâu dài họ sẽ khống chế giá mua và bán trên thị trường. Nông dân trở thành người nuôi gia công, gánh chịu nhiều rủi ro.