Nói cách khác, dù nhà báo sử dụng mạng xã hội như một “cư dân mạng” thì cộng đồng xã hội dễ hiểu đấy là quan điểm của nhà báo, và ít nhiều mang quan điểm của cơ quan báo chí nơi nhà báo đó đang làm việc. Điều này đòi hỏi nhà báo đưa thông tin, bày tỏ quan điểm riêng trên mạng xã hội cũng cần cẩn trọng, nghiêm túc, chuẩn mực giống như khi tác nghiệp báo chí.
Ông Lê Hồng, Phó trưởng ban biên tập trang vusta.vn cho rằng đạo đức nghề nghiệp có 3 nguyên tắc bất biến: Thứ nhất, không được phép nói sai sự thật. Tuy nhiên, đây là vấn đề rất khó bởi sự thật chỉ có một, những cái “giống như sự thật” thì nhiều.
Vậy làm thế nào để tiếp cận sự thật? Để làm được điều này. Đối với hệ thống báo chí của Liên hiệp các Hội khoa học Việt Nam, điều này càng quan trọng bởi tiếp cận chân lý trong lĩnh vực khoa học, kỹ thuật là vô cùng khó. Nguyễn tắc thứ hai là động cơ của tác giả.
Động cơ đó là gì? Tốt hay xấu? Có trong sáng hay không? Một khi động cơ không trong sáng thì việc bẻ cong ngòi bút là khó tránh khỏi. Nguyên tắc thứ ba là tính “chuẩn mực”. Khi đưa tin hoặc phê phán bất cứ điều gì, hãy đặt mình vào vị thế, vị trí của người bị phê phán. Sự chuẩn mực ở đây nằm cở sự chừng mực và tuyệt nhiên không đẩy bất cứ ai đến “bước đường cùng”.
Ông Lê Hồng cho rằng, sự chuẩn mực còn nằm ở liều lượng thông tin. Phê phán cái xấu nhưng phải biết nâng niu cái tốt. Điều này rất quan trọng đối với các nhà báo thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam bởi có thể chỉ một bài báo thôi, làm nhụt chí và thậm chí, đổ vỡ cả một công trình khoa học, đặc biệt là nhà khoa học trẻ. Sự chuẩn mực không chỉ nằm ở phê phán mà cả trong khen ngợi. Sự tâng bốc quá lời, sai sự thật cũng chính là “liều độc dược”...
Tại hội thảo, các đại biểu đã trao đổi và đưa ra nhiều ý kiến như các cơ quan báo chí cần nâng cao trách nhiệm, thường xuyên giáo dục đạo đức nghề nghiệp cho nhà báo; Các cơ sở đào tạo về báo chí cần bổ sung, tăng thời lượng các môn học giáo dục đạo đức nghề nghiệp của nhà báo cho đội ngũ những người làm báo trong tương lai.
Nâng cao vai trò, trách nhiệm của các chi hội, Hội Nhà báo trong việc giữ gìn và nâng cao đạo đức nghề nghiệp cho các nhà báo; Sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật có lồng ghép các vấn đề liên quan đến đạo đức nghề nghiệp, tăng tính hiệu lực đảm bảo việc thực thi một cách nghiêm túc các quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo; Tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động báo chí được diễn ra một cách lành mạnh, chuyên nghiệp; Tăng cường sự giám sát, quản lý Nhà nước đối với hoạt động báo chí và nhà báo.