Ảnh minh họa ITN. |
Năm 2023, phương thức xét tuyển bằng kết quả học bạ vẫn chiếm ưu thế trong kế hoạch tuyển sinh của các trường. Việc tuyển sinh bằng xét tuyển học bạ chiếm ưu thế nên nhiều phụ huynh không tiếc công sức, tiền bạc để chạy điểm cho con. Trên mạng xã hội, không ít phụ huynh chia sẻ kinh nghiệm về việc nâng điểm qua chăm sóc cô giáo chủ nhiệm, cô giáo bộ môn và cả thầy, cô hiệu trưởng. Nhiều người còn chọn trường cho con ngay từ lớp 10 để sau này có học bạ đẹp.
Chị Nguyễn Thị Hạnh, phụ huynh học sinh ở quận Long Biên (Hà Nội) cho biết, từ năm lớp 10, khi vào trường, cô giáo chủ nhiệm đã thống nhất đường đi nước bước với phụ huynh để có được kết quả học bạ như mong muốn. Tình trạng này xảy ra không chỉ ở một trường. Giáo viên, phụ huynh đều nhận thấy lợi thế của học bạ đẹp khi xét tuyển vào các trường đại học, từ trường tốp thấp đến tốp cao.
Theo ông Hoàng Ngọc Vinh - Nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD&ĐT, chuyện sửa, nâng điểm “làm đẹp” học bạ THPT là có. Việc xét tuyển đại học bằng học bạ có thể khiến kết quả học tập của học sinh bị méo mó. Đặc biệt, khi các trường đại học mở rộng cửa xét tuyển bằng học bạ, nếu không kiểm soát được sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy tiêu cực.
Về vấn đề này, ông Trần Khắc Thạc - Phó Trưởng Phòng đào tạo Trường Đại học Thủy Lợi cho rằng, không phải tất cả học sinh có điểm học bạ tốt đều có năng lực tốt. Và ở bất kể phương thức nào cũng có em thế này, thế khác. Nhưng khi vào trường đại học, sinh viên không có năng lực sẽ tự đào thải. Vì vậy, chúng ta nên tin tưởng vào quá trình sàng lọc của các trường đại học trong quá trình đào tạo.
Thực tế, điểm số trong học bạ của học sinh THPT mỗi địa phương, nhà trường đều có sự chênh nhau so với kết quả học tập thực sự. Thực trạng này do quan điểm đánh giá kết quả học tập, cách quản lý của từng địa phương, nhà trường khác nhau.
“Về phía các trường THPT, thầy cô như cha, mẹ của học sinh. Thầy cô làm mọi cách để ôn luyện, quan tâm tới việc học của các em như chính con mình nên ai cũng mong muốn “các con” có cơ hội tốt trong tương lai. Việc đâu đó có sự nâng đỡ không thể tránh khỏi. Nhưng tôi vẫn tin tưởng các thầy cô phổ thông luôn là người đặt nền móng để các em bước tiếp…”, ông Thạc nói.
Quy chế tuyển sinh đại học do Bộ GD&ĐT ban hành chỉ quy định nguyên tắc để bảo đảm công khai, minh bạch và bình đẳng giữa các trường, còn trường đại học được tự chủ và chịu trách nhiệm về phương thức tuyển sinh. Vai trò của Bộ là chỉ đạo thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy chế này. Dù điểm học bạ có được sử dụng để xét tuyển đại học hay không, các trường THPT phải có trách nhiệm, biện pháp bảo đảm tin cậy, công bằng, đánh giá đúng kết quả của người học.