Nam sinh kể rằng mình rất thích theo nghề họa sĩ vẽ truyện tranh, nhưng cha mẹ làm kinh doanh nên muốn con phải nối nghiệp. Ba là người khắt khe, thường xuyên la mắng và chê trách con yếu đuối. Mẹ lại luôn bao bọc, sợ con sai, thất bại nên làm hết mọi việc hộ con. Dù mẹ nói không áp lực cho con, nhưng thời gian học thêm rất nhiều, được quản lý nghiêm ngặt, đồng thời hay so sánh với những người bạn khác, hoặc anh em họ hàng. Điều này khiến nam sinh cảm thấy bản thân vô ích, không có giá trị, ghét mọi người trong gia đình…
Theo PGS.TS Trần Thành Nam, Trưởng khoa Các khoa học giáo dục, Trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội, dù không có số liệu cụ thể của ngành Tâm thần học, nhưng tỷ lệ các bạn trẻ trong độ tuổi học đường tới thăm khám, sử dụng các dịch vụ tư vấn tâm lý tăng trước, trong, sau mỗi mùa thi. Nhiều bằng chứng nghiên cứu đã chỉ ra tỷ lệ học sinh căng thẳng, lo lắng sợ hãi không đạt kết quả như mong muốn, không đáp ứng được kỳ vọng của gia đình, xã hội.
Trên một diễn đàn có hơn 600 nghìn thành viên của học sinh Hà Nội, mỗi ngày đều có các đăng tải những dòng trạng thái ngóng chờ điểm trong sợ hãi. Thậm chí, nhiều học sinh đêm nào cũng gặp ác mộng bị điểm kém và tỉnh dậy trong đầm đìa nước mắt. Rõ ràng áp lực tự so sánh với bạn bè và những tưởng tượng tiêu cực đang bào mòn sức khỏe tinh thần của học sinh ngay cả sau khi đã thi xong.
Khi những áp lực quá nhiều, vượt qua khả năng ứng phó điều chỉnh của cá nhân dẫn đến những hành vi cáu gắt, ứng xử thiếu thân thiện với mọi người hoặc tự bạo hành trừng phạt bản thân thông qua những hành vi tự làm đau. Nhiều bạn có thể xuất hiện ý tưởng tự sát như một cách chạy trốn áp lực.
PGS.TS Trần Thành Nam cho rằng, sống trong nền kinh tế tri thức, giáo dục ngày càng được xem trọng và là con đường vững chắc giúp cá nhân tạo ra tri thức, giá trị, trở thành những nhà khởi nghiệp, sáng tạo đổi mới; qua đó lập thân, lập nghiệp và thành công. Ở bối cảnh thế giới, tương lai nghề nghiệp ngày càng trở nên bất định, mơ hồ thì nhu cầu giáo dục, được học lên cao ngày càng bức thiết, là con đường chắc chắn hơn để thành công, khẳng định bản thân.
“Kiến thức của nhân loại sản sinh hàng ngày luôn vượt quá khả năng tiếp thu của bất kỳ một cá nhân nào, nếu còn giữ quan điểm ôn luyện theo tiếp cận nội dung, đứa trẻ sẽ càng hoang mang và mất tự tin do càng ôn nhiều càng thấy mình không biết gì. Nhu cầu học tập lớn, mức độ đáp ứng của thị trường giáo dục công lập hạn chế khiến sự cạnh tranh các cơ hội vào học tại các ngôi trường danh tiếng càng cao. Sự thành kiến của cộng đồng về trường tốt, kém, phân biệt giữa trường công, tư khiến căng thẳng của các kỳ thi càng kịch tính hóa…”, PGS Trần Thành Nam chia sẻ.
Giáo dục đã chuyển trọng tâm từ tiếp cận nội dung sang năng lực; nhưng trên thực tế phụ huynh vẫn mắc kẹt trong chủ nghĩa thành tích, ép con học theo tiếp cận nội dung, ôn tủ, luyện đề. Nhiều phụ huynh vẫn coi điểm số là biểu thị của năng lực, quyết định sự thành công hay thất bại. - PGS.TS Trần Thành Nam