Nhiều người cho rằng, trong thời đại công nghệ phát triển như vũ bão, sự lên ngôi của mạng xã hội đã khiến báo in mất đi vị trí quan trọng.
Một câu hỏi đặt ra, báo chí đang ở vị trí nào trong cuộc chạy đua với mạng xã hội, cụ thể là TikTok - ứng dụng phổ biến tại Việt Nam khoảng hơn 5 năm trở lại đây?
Sự bùng nổ của khoa học - công nghệ, sự hiện đại và phổ biến của các thiết bị thông minh như điện thoại, iPad, laptop... đã tạo điều kiện cho con người, nhất là giới trẻ tiếp xúc với những nguồn thông tin mới, tham gia các ứng dụng mạng xã hội mới để nâng cao trình độ, kiến thức, sự hiểu biết. Bên cạnh các trang mạng xã hội như Facebook, Instagram, WhatsApp, X, YouTube... thì TikTok là ứng dụng được người Việt Nam ưa chuộng trong những năm gần đây. Ban đầu, TikTok phổ biến trong đời sống của người trẻ, sau có độ lan tỏa rộng hơn, không chỉ ở thành thị mà còn nông thôn, không chỉ người trẻ mà còn với những người lớn tuổi, kể cả trẻ con đang học lớp vỡ lòng. Trong đó, người trẻ là đối tượng ưu ái và dành nhiều thời gian trong quỹ thời gian của mình cho TikTok. “Lướt TikTok quá 180 phút” - câu nói được lan truyền trên các trang mạng xã hội tưởng chỉ nhằm mục đích đùa cợt, thực chất phản ánh một thực trạng đáng báo động: Người trẻ đang hoang phí thời gian của mình vào TikTok.
Điều gì khiến người trẻ ưu ái TikTok đến thế? Trước hết, phải khẳng định sức hấp dẫn và lôi cuốn của TikTok khi mỗi ngày có hàng loạt video ngắn, nội dung phong phú, những thước phim sống động về cuộc sống xung quanh, trong nước và quốc tế. Đặc biệt, phải kể đến các “trend” - một “thuật ngữ” của giới trẻ nhằm chỉ một hoạt động, xu hướng mới nào đó được lan truyền trên mạng xã hội với tốc độ chóng mặt, và tất nhiên nhanh chóng biến mất nhường chỗ cho “new trend” ra đời. Mặt khác, TikTok cũng là không gian rộng để người trẻ có thể thể hiện phong cách cá nhân, cá tính, quan điểm sống của bản thân qua việc sáng tạo những video ghi lại cuộc sống, hành trình, trải nghiệm của riêng mình. Đó là chưa kể đến TikTok còn là một hình thức “kinh doanh”, đem lại nguồn thu nhập nhất định cho những tài khoản có độ lan tỏa mạnh mẽ.
So với báo in, có vẻ như tốc độ đưa tin trên trang mạng xã hội TikTok nhanh chóng hơn rất nhiều. Cùng một sự kiện, TikTok có lợi thế hơn báo in ở chỗ kết hợp được hình ảnh, âm thanh mà vẫn đảm bảo được tính ngắn gọn, cô đọng của sự kiện, câu chuyện. Khi TikTok phổ biến, trong nhiều sự kiện (đặc biệt là sự kiện giải trí), các TikToker (người sáng tạo nội dung trên TikTok) cũng được ưu ái ngang với nhà báo. Đối tượng tiếp nhận thông tin, thay vì đợi đến khi báo in phát hành thì chỉ việc lướt mạng xã hội TikTok, tìm kiếm từ khóa liên quan đến sự kiện là hàng loạt video xuất hiện. Họ có thể nắm bắt tin tức ngay lập tức. Nhanh, gọn vẫn luôn là tính chất cần thiết trong đời sống người trẻ.
Không thể phủ nhận những ưu điểm lớn của TikTok, song trang mạng xã hội này vẫn còn tồn đọng nhiều hạn chế. Không khó để bắt gặp các thông tin sai sự thật, bị cắt ghép, bóp méo... lan truyền với tốc độ chóng mặt. Điều này bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân: Do các TikToker vội vã trong việc đưa tin chưa được kiểm chứng; tham vọng “câu view”; người đưa tin thiếu hiểu biết, trình độ; “bẻ lái” dư luận với mục đích xấu... Gần đây, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan để siết chặt TikTok, tránh để những thông tin sai sự thật bị lan truyền, gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng. Về độ chính xác, đáng tin cậy của tin tức, rõ ràng báo chí làm tốt hơn, thông tin được kiểm chứng xác đáng hơn.
Tốc độ đưa tin trên TikTok rất nhanh chóng? Ảnh minh họa |
Báo in đang ở đâu trong cuộc chạy đua với TikTok? Chúng ta có thể mạnh mẽ khẳng định: Báo in vẫn làm tốt sứ mệnh và được công chúng tin cậy, đón nhận. Không phủ nhận TikTok mang lại nhiều cảm xúc tuyệt vời cho con người, nhất là những video mang tính giải trí cao, có chất lượng, cung cấp tri thức, tin tức chính xác... nhưng không vì thế mà TikTok có thể lấn lướt báo chí - một lĩnh vực đã có lịch sử hình thành lâu đời ở nước ta.
Hòa cùng không khí đổi mới, sự tiến bộ của khoa học - kỹ thuật - công nghệ, truyền thông..., báo chí đã và đang thực hiện tốt vấn đề chuyển đổi số (sử dụng công nghệ số để sản xuất nội dung, phân phối trên các nền tảng như website, mạng xã hội, ứng dụng điện thoại) với mục đích vươn lên tầm cao mới, giữ vững vai trò của báo chí trong đời sống nhân dân. Ngay trên mạng xã hội TikTok, bên cạnh những nguồn tin không được kiểm chứng của một bộ phận TikToker, vẫn có những tài khoản mà cơ quan chủ quản là các tòa soạn, cơ quan báo, đài... Đó là một trong những phương thức chuyển đổi số, góp phần đưa báo chí - truyền thông gần hơn với công chúng.
Truyền thông, mạng xã hội phát triển như vũ bão, báo in vô tình trở thành một sản phẩm đặc thù, hình thức truyền tin dưới dạng vật chất. Sự phát triển của khoa học - công nghệ đòi hỏi báo in phải có sự đầu tư cao, thông tin chính xác và hấp dẫn, trình bày khoa học, sang trọng và đẳng cấp hơn. Nhiều cơ quan báo chí đã tiến hành chuyển đổi báo in (dạng vật chất) sang “E - paper” (dạng điện tử) như báo Nhân Dân, Quân đội nhân dân, Phụ nữ TP Hồ Chí Minh, một số tờ báo Đảng của các tỉnh, thành phố... để công chúng có thể dễ dàng hơn trong việc tiếp cận tin tức chính xác mà không phải mất thời gian tìm đến các sạp báo để được cầm trên tay những số báo mới nhất mỗi ngày.
Thực tế đã chứng minh, báo chí (trong đó có loại hình báo in) đã tồn tại gần hai thế kỷ, trong khi TikTok chỉ mới xuất hiện vài năm và đang có xu hướng suy giảm. Chắc chắn rằng, chỉ trong vài năm tới đây, “cơn bão” TikTok sẽ không còn, báo in vẫn sẽ tiếp tục giữ vững “ngôi báu” của mình.