Tsargrad TV cảnh báo, một cuộc tấn công vào Transnistria không có lợi gì cho quân đội Ukraine, bởi họ không có đủ quân dự bị để duy trì tiền tuyến. Bên cạnh đó, cộng đồng chính trị thế giới cũng khó lòng ủng hộ hành động của Kiev.
"Bị buộc phải tiết kiệm đạn pháo, Ukraine sẽ gặp khó khăn nghiêm trọng khi chiến đấu với quân đội của chúng ta (Nga) và sẽ mất đi nguồn dự trữ cuối cùng trong cuộc phiêu lưu chính trị mới của ông Zelensky"- Tsargrad TV kết luận.
Liên quan tới khả năng Moldova kết hợp với Ukraine mở mặt trận mới ởTransnistria, hãng thông tấn RIA Novosti dẫn lời nhà khoa học chính trị Andrei Safonov – Phó Hội đồng tối cao Transnistria cho hay, Moldova đang được "bơm đầy vũ khí" để chống lại Transnistria và lực lượng Nga trong khu vực.
"Moldova đã được bơm vũ khí kể từ năm 2022. Những vũ khí này chống lại ai? Chúng chỉ dùng để chống lại lực lượng Transnistria và các nhóm quân đội Nga đóng tại đây"– Ông Safonov nói, đồng thời lưu ý rằng Moldova đang trở thành nơi tập trung các hành động có thể được tiến hành nhằm chống lại Nga và Transnistria.
Theo ông Safonov, chính quyền ở Chisinau rõ ràng đang hướng tới việc cắt đứt mọi quan hệ với Nga và hướng tới việc rút Moldova khỏi Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS).
"Cho tới nay, họ (Moldova) chưa tham gia bất cứ động thái quân sự mạo hiểm nào, nhưng ai biết liệu họ có thể cưỡng lại những khuyến nghị dai dẳng của các đối tác phương Tây hay không?"– Ông Safonov cho hay.
Trước đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hôm 30/11 lên tiếng cảnh báo Moldova đang trở thành "nạn nhân tiếp theo" trong cuộc chiến tranh phức hợp do phương Tây tiến hành nhằm chống lại Nga.
Ông Lavrov đồng thời cáo buộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Liên minh châu Âu (EU) đang "giết chết" thể thức 5+2 – điều cuối cùng còn sót lại từ những nỗ lực chung nhằm giải quyết vấn đề Transnistria.
"Điều mà Ngoại trưởng Lavrov nói với chính phủ Chisinau – phía đang theo chủ nghĩa dân tộc, đồng thời thân phương Tây và thân Romania – là một lời cảnh báo thẳng thắn nhằm ngăn chặn nỗ lực tiến hành bất cứ hành động khiêu khích quy mô lớn nào nhằm vào Transnistria.
Đó có thể là nỗ lực phá hoại kinh tế Transnistria hoặc thực hiện những hành động vũ lực ở bất cứ quy mô nào tại khu vực sông Dniester"- Ông Safonov nói.
Căng thẳng giữa Moldova và Nga đang gia tăng. Ảnh: Newsweek
Đại diện Transnistria đề cập thêm rằng, gần đây có các báo cáo cho biết phương Tây muốn"kéo căng mặt trận của Moscow"bằng cách nhằm vào các khu vực xung quanh Nga.
"Mặc dù chính quyền Moldova cam kết họ chỉ giải quyết hòa bình xung đột với Transnistria, nhưng thể thức đàm phán 5+2 đã bị phá hủy, nguyên nhân chính là do nỗ lực của Chisinau. Nếu không có đối thoại liên tục thì không thể củng cố hòa bình ở khu vực xung đột"– Ông Safonov nhấn mạnh.
Các cuộc đàm phán theo thể thức 5+2 có sự tham gia của Moldova và Transnistria – với tư cách là bên trong cuộc; Nga, Ukraine, Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) - với tư cách là trung gian hòa giải; Liên minh Châu Âu và Mỹ - với tư cách quan sát viên. Vòng đàm phán gần nhất theo thể chế này diễn ra tại Bratislava (tây nam Slovakia) vào ngày 9/10 và 10/10 năm 2019.
Theo RIA, Transnistria - nơi có 60% cư dân là người Nga và Ukraine – đã tìm cách ly khai khỏi Moldova ngay cả trước khi Liên Xô sụp đổ.
Năm 1992, sau nỗ lực thất bại của chính quyền Moldova nhằm giải quyết vấn đề bằng vũ lực, Transnistria gần như đã trở thành vùng lãnh thổ nằm ngoài tầm kiểm soát của Chisinau.
Theo thỏa thuận với Moldova vào ngày 21/7/1992, lực lượng Nga được đưa vào Transnistria làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình. Vai trò này vẫn đang được duy trì cho tới thời điểm hiện tại.
Mối quan hệ giữa Nga và Moldova bắt đầu xấu đi sau khi Tổng thống Maia Sandu – người theo chính sách thân châu Âu – lên nắm quyền vào cuối năm 2020. Thư ký báo chí của Tổng thống Nga Dmitry Peskov cho biết, Moldova – dưới sự dẫn dắt của chính quyền hiện tại, đang trở thành quốc gia không thân thiện với Nga.
Bộ Ngoại giao Nga kêu gọi chính quyền Moldova chấm dứt các biện pháp đối đầu Nga, đồng thời cảnh báo Moldova không để phương Tây lợi dụng cho mục đích chống Nga.