Nhận diện để lan toả điều hay
Ông Dương Trung Quốc nêu quan điểm, chúng ta có thể lo lắng nhưng hãy luôn tin tưởng rằng, những giá trị truyền thống sẽ có sự phát triển nếu tạo ra một môi trường đủ tốt. Muốn vậy, trước tiên phải nhận diện các giá trị đã có của văn hoá truyền thống để lan toả.
Ngắm đèn Trung thu tại sân nhà thời xưa. - ảnh tư liệu IT |
Trong bài tập làm văn về Tết Trung thu của học trò Nguyễn Văn Xuân (13 tuổi), học sinh Trường Đông Kinh Nghĩa Thục đăng trên Đăng Cổ Tùng Báo số 819 ra ngày 26/9/1907 viết rằng: “Giăng sáng quắc, phố xá ngộn những người. Đây: dình tùng sèng; đó: dình tùng sèng. Đầu phố một đám rước, cuối phố một đám rước. Nào rồng, nào sư tử, nào cá, nào thiềm thừ, kéo đàn kéo lũ, như đi tắm sáng giăng tròn.
Chỗ nọ lập trống quân; chỗ kia chăng trống quít. Hàng Đường, Hàng Ngang, nhà nào nhà nấy đua nhau bày cỗ. Khéo gớm! Khéo ghê! Kìa đu đủ gọt ra hoa sói hoa nhài, nọ đùi gà bày thành Tiều - phu, Lão - vọng.
Đèn chạy quân, đèn sẻ rãnh: Trương Phi cưỡi ngựa đi vạch thẳng; vua Thuấn cày voi chạy chữ công. Cái chạy hỏa lò, cái chạy cát; cái ghép lá nứa, cái vặn bằng tay. Hơi lửa mới biết dùng quay tán giấy...”.
Cho đến nay, từ khung cảnh cho đến vật cảnh, đồ chơi xưa như trong miêu tả ấy đã không còn. Tuy nhiên, theo TS. Bàn Quỳnh Giao - Viện Văn học (Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam): Xét mặt bằng chung thì tết Trung thu vẫn giữ được đôi nét truyền thống, dù có chút biến đổi.
Như tục lệ phá cỗ, ngày nay có sự hướng ngoại nhiều hơn. Thay vì gia đình quây quần tại nhà, thì người ta ra nhà hàng - điều này người cao tuổi cảm nhận rõ nhất, vì họ không còn được đón tết Trung thu đúng nghĩa đoàn viên nữa. Tiếp đến là biến đổi theo hướng phú quý sinh lễ nghĩa - không chỉ tặng quà bánh nướng, bánh dẻo mà bị thay đổi theo mục đích mối quan hệ.
“Xã hội luôn có sự thay đổi, đó là điều tất yếu chúng ta buộc phải thích ứng với sự thay đổi. Phải làm sao khích lệ con trẻ biết về nguồn cội và những giá trị đẹp. Tôi cho đây là trách nhiệm của xã hội, đặc biệt vai trò của các nhà giáo dục cho đến giới nghiên cứu”.
– Nhà sử học Dương Trung Quốc.
TS. Nguyễn Nhã cho rằng, Trung thu là bữa tiệc dành cho trẻ em. Bởi vậy, người lớn nên hướng con cháu vào các hoạt động truyền thống: Đoàn viên gia đình tại nhà ông bà, rước đèn ông sao, phá cỗ với những món cổ truyền…
Các nhà nghiên cứu văn hoá khẳng định, người lớn – trực tiếp là cha mẹ chính là những người có trách nhiệm nhận diện giá trị truyền thống, để hướng con cái tới những điều tốt đẹp. Dù rằng, quá trình hội nhập tiếp biến văn hóa sẽ có những cái mới, nhưng không nên thụ động tiếp nhận mà cần có sự chủ động.
Các nhà quản lý cần phải giữ được không gian văn hóa cho Tết Trung thu. Không thể để trẻ em bị lợi dụng – khi là cái cớ để một trường tư thục nào đó quảng bá chiêu sinh. Hay khi một doanh nghiệp muốn phô trương trách nhiệm cộng đồng với mục đích làm thương hiệu. Hoặc tệ hơn, là những kẻ lợi dụng để kiếm chác - biến trẻ em thành thợ múa lân, thu tiền.