Bắt đầu cho trẻ ăn dặm - Phần 2

21/12/2018, 11:21
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Ăn dặm là quá trình bắt đầu cho những trẻ đang bú sữa hoàn toàn làm quen với thức ăn cứng và rắn hơn. Khi nào trẻ nên ăn dặm và ăn dặm như thế nào là một điều khiến nhiều bà mẹ đau đầu bởi việc này sẽ ảnh hưởng đến dinh dưỡng, sự phát triển và thói quen ăn uống của trẻ sau này.

Khi trẻ đủ 7-9 tháng, rất nhiều trẻ có thể ăn được 3 bữa ăn dặm mỗi ngày. Cố gắng cho trẻ ăn đủ protein, carbohydrate và chất béo mỗi bữa.

Khi trẻ đủ 9-11 tháng, rất nhiều trẻ đã có thể ăn các loại thức ăn cắt nhỏ. Khi đó, trẻ đã có thể ăn các loại thực phẩm cứng hơn, ví dụ như bánh quy, táo, cà rốt, bánh mỳ…Giai đoạn này, trẻ có thể ăn được khoảng 3 bữa ăn dặm/ngày và cộng thêm một bữa tráng miệng, ví dụ như sữa chua và/hoặc trái cây.

Khi trẻ được 1 tuổi, đa số các trẻ đã có thể ăn được các bữa cùng với gia đình. Trẻ có thể ăn được 3 bữa chính và 2-3 bữa phụ/ngày.

Tuy nhiên, bạn cần nhớ rằng, mỗi trẻ sẽ có một sự phát triển khác nhau, và con bạn có thể sẽ ăn nhiều hoặc ít hơn những trẻ khác, tuỳ theo nhu cầu.

Các loại thực phẩm nên tránh

Mặc dù trẻ nên được làm quen với nhiều loại thực phẩm, nhưng có một số loại thực phẩm nên tránh:

  • Mật ong: không nên cho trẻ dưới 12 tháng sử dụng mật ong vì có nguy cơ ngộ độc thực phẩm do vi khuẩn botulism có trong mật ong.
  • Trứng chưa nấu chín: có thể sẽ chứa vi khuẩn Salmonella
  • Các sản phẩm từ sữa chưa tiệt trùng: quá trình tiệt trùng sẽ giúp tiêu diệt các loại vi khuẩn trong các sản phẩm từ sữa
  • Đồ ăn, thức uống nhiều đường, muối hoặc chế biến quá nhiều: đây là những sản phẩm rất ít dinh dưỡng. Đường có thể sẽ làm hỏng răng của trẻ và thận của trẻ sẽ không xử lý được nếu bữa ăn có quá nhiều muối. Bạn cũng không nên cho quá nhièu muối vào bữa ăn của gia đình.
  • Các sản phẩm sữa ít béo: trẻ nhỏ cần nhiều chất béo trong chế độ ăn hơn là người trưởng thành.

Một số mẹo để quá trình ăn dặm thành công hơn

Trẻ nhỏ thường thích vị ngọt hơn, do vậy hãy cố gắng cho trẻ thử ăn rau trước khi ăn trái cây để làm giảm nguy cơ trẻ sẽ từ chối món rau.

Cho trẻ ăn mỗi món một chút, nhưng cho trẻ làm quen với nhiều món. Tránh cho trẻ ăn cùng một thực phẩm lặp đi lặp lại quá nhiều lần. Nếu trẻ không thích một loại thực phẩm nào đó, hãy cố gắng trộn loại thực phẩm đó với một loại thực phẩm khác mà trẻ yêu thích cho đến khi trẻ chấp nhận loại thực phẩm kia.

Không ép trẻ ăn nhiều nếu trẻ không muốn, vì thường thì khi trẻ không ăn nữa nghĩa là trẻ đã no.

Cố gắng cho trẻ tham gia vào các bữa ăn gia đình. Trẻ thường sẽ ăn nhiều hơn khi trẻ thấy mọi người xung quanh cũng ăn.

Bạn có thể cho thức ăn của trẻ vào từng khay hoặc vào từng hộp nhỏ và cho vào ngăn đá nếu không muốn nấu lại hàng ngày. Hãy nhớ ghi rõ ngày bạn cất giữ những thức ăn này trên hộp đựng để đảm bảo rằng thức ăn của trẻ không bị để quá lâu. Những thức ăn này cần được nấu chín kỹ lại khi cho trẻ ăn.

Tham khảo thêm thông tin tại bài viết: Cho bé bú sữa mẹ hay sữa ngoài?

Ths.Bs. Trần Thu Nguyệt - Viện Y học ứng dụng Việt Nam - Theo Healthline

Theo vienyhocungdung.vn
https://vienyhocungdung.vn/bat-dau-cho-tre-an-dam-phan-2-20181219163812113.htm
Copy Link
https://vienyhocungdung.vn/bat-dau-cho-tre-an-dam-phan-2-20181219163812113.htm
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bắt đầu cho trẻ ăn dặm - Phần 2