Hiện nay Chính phủ đã có hàng loạt chính sách hỗ trợ cho thị trường như tín dụng, sửa các quy định của pháp luật…Các địa phương cũng tích cực trong việc hỗ trợ các dự án chậm triển khai hoàn thiện pháp lý để có sản phẩm tung ra thị trường. Nhiều khả năng thị trường sẽ sớm phục hồi và bắt lại nhịp sôi động.
Theo các chuyên gia, quyết định bắt "đáy" bất động sản là một quyết định quan trọng và có rủi ro, phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau. Trước khi đưa ra quyết định xuống tiền, nhà đầu tư cần căn cứ vào các yếu tố tình trạng thị trường, khả năng tài chính, mục tiêu đầu tư, nhu cầu sử dụng...
Cụ thể, nếu thị trường bất động sản đang trải qua một giai đoạn suy thoái và giá đang giảm, việc mua vào lúc này có thể mang lại cơ hội để mua với giá rẻ hơn. Tuy nhiên, việc dự đoán được "đáy" của thị trường là khá khó khăn và có thể có sự giảm giá tiếp tục sau khi bạn đã mua.
Thứ nữa, mua bất động sản là một quyết định quan trọng và nhà đầu tư cần xem xét khả năng thanh toán, tránh việc vay quá mức hoặc gặp khó khăn tài chính trong tương lai.
Đặc biệt, nhà đầu tư cần xác định rõ mục tiêu đầu tư. Nếu đầu tư vào bất động sản với mục tiêu lâu dài và không quan tâm nhiều về giá trị hiện tại, thì việc mua vào ở thời điểm hiện tại có thể là một cơ hội để tận dụng giá rẻ và tăng giá trị vốn đầu tư trong tương lai.
Trong khi đó, với những khách hàng có nhu cầu sử dụng bất động sản như một nơi ở hoặc kinh doanh thì việc mua vào thời điểm hiện tại có thể mang lại lợi ích ngay lập tức.
"Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng việc bắt "đáy" bất động sản không phải lúc nào cũng thành công và có thể gặp rủi ro. Thị trường có thể tiếp tục giảm hoặc không phục hồi trong thời gian dài. Do đó, quyết định này cần được đánh giá kỹ lưỡng và nên tham khảo ý kiến chuyên gia tài chính hoặc bất động sản trước khi đưa ra quyết định cuối cùng", một chuyên gia địa ốc khuyến nghị.
Nhận xét về giá bán bất động sản hiện nay, ông Võ Hồng Thắng, Phó giám đốc R&D DKRA Việt Nam cho biết giá bán thứ cấp đã sụt giảm ở hầu hết phân khúc như đất nền, nhà ở, biệt thự ở mức 6-25%, thậm chí có nhiều dự án ở TP Hồ Chí Minh và khu vực phía Nam giảm đến 40-45% ở cả thị trường thứ cấp và sơ cấp.
Xu hướng giảm giá cũng thể hiện rõ ở quanh khu vực ngoại thành Hà Nội. Cụ thể như ở huyện Đông Anh, những lô đất mặt đường Đông Hội, Xuân Canh, Tiên Dương, Nguyên Khê…đang được rao giảm giá sâu về khoảng 40 - 50 triệu đồng/m2. So với thời điểm "sốt đất" đầu năm ngoái, giá đất khu vực kể trên đều rao bán từ 60 triệu đồng/m2 trở lên, có những lô bị đẩy lên 70-110 triệu đồng/m2. Tương tự, tại Hoài Đức, đất dịch vụ ở Di Trạch, Vân Canh, Lai Xá, Kim Chung…giảm 20-30% so với thời điểm "sốt" và hiện được nhà đầu tư rao giá từ 60-70 triệu đồng/m2.
Đáng nói, dù giá hợp lý nhưng thanh khoản trên thị trường bất động sản vẫn ở mức thấp.