Khi được hỏi về đam mê với khoa học, Nhật Long chỉ thủ thỉ: “Từ khi còn nhỏ, em rất thích bộ sách “Mười vạn câu hỏi vì sao?” và các video về Trái đất hay các phát minh mới về khoa học trên Youtube. Các kiến thức khoa học tự nhiên rất gần gũi, thiết thực, gắn với cuộc sống. Tại trường, em rất thích các tiết thí nghiệm thực tiễn theo chương trình Mỹ. Tại đó, em thấy được nhiều thắc mắc, mà cứ tò mò, em lại đặt các câu hỏi vì sao”.
Nhật Long, lớp 9G0, Trường THCS - THPT Newton (TP Hà Nội). |
Theo Nhật Long, các môn Vật lí, Hoá học, Sinh học có những đặc điểm khác nhau song có nguyên tắc bất di bất dịch là phải nắm chắc kiến thức nền trong sách giáo khoa sau mới mở rộng, nâng cao thêm.
Chẳng hạn, Vật lí cần tư duy hình học và đại số để có thể vượt qua những bài Quang học, hay Điện học và Cơ học. Với Hoá học, công thức Đại số là công cụ để tính toán, xây dựng được cách giải các bài toán thường gặp.
Còn Sinh học, kiến thức gắn chặt với cuộc sống nên khi đọc kiến thức trong sách giáo khoa, mỗi người cần có sự liên hệ rồi mở rộng hiểu biết.
“Các bạn nên dành thời gian học tiếng Anh, làm quen với các cuốn sách khoa học bằng ngoại ngữ. Những kiến thức mới luôn hấp dẫn nhưng sẽ có độ khó nhất định do vậy cần làm quen, đọc hiểu từ từ, cứ vấn đề nào khó thì note (ghi chú) lại rồi tìm thầy cô, người hiểu biết giải thích hoặc đơn giản là Youtube để tra cứu...”, Long chia sẻ.