Riêng với môn Ngữ văn, cần tìm đọc và ghi chép thêm những dẫn chứng thực tế để làm tốt phần Nghị luận xã hội và kiến thức lí luận văn học để vận dụng sáng tạo vào phần Nghị luận văn học.
Cân bằng giữa học tập và nghỉ ngơi
Cô Đinh Thị Thúy Nga, Trường trung học phổ thông Ban Mai (Hà Nội) khuyên học sinh ên hệ thống hóa kiến thức trong giai đoạn ôn tập, tập trung vào kiến thức trọng tâm và lựa chọn khung thời gian học bài hiệu quả nhất.
Mỗi học sinh có đặc điểm riêng trong khả năng ghi nhớ và tập trung, đặc biệt đối với môn Ngữ văn cần có sự tỉnh táo cao độ để “cảm” được nội dung của bài học. Do đó, theo cô Nga, học sinh nên phân chia cho bản thân một khung thời gian ôn tập cho từng môn học phù hợp với yêu cầu của từng môn.
Đối với môn Ngữ văn, có thể dành thời gian học tập vào buổi sáng - thời điểm tinh thần và khả năng sáng tạo được đẩy lên cao nhất. Học Ngữ văn vào thời điểm này sẽ gợi cảm hứng cho học sinh trong quá trình ghi nhớ bài và rèn kĩ năng viết. Tuy nhiên, như đã nói ở trên, học sinh vẫn có thể lựa chọn những khung thời gian khác, tùy vào đặc điểm và hứng thú của mình.
“Giảm xem - giảm sợ - giảm stress” - nhấn mạnh các từ khóa này, cô Đinh Thị Thúy Nga cho biết: khi lướt facebook hoặc các nền tảng mạng xã hội, không khó để các bạn học sinh tìm thấy những hội nhóm để chia sẻ bí quyết ôn thi. Đó là những diễn đàn rất tốt, để học sinh vừa được chia sẻ, được lắng nghe và được truyền cảm hứng từ chính những người bạn đồng trang lứa, đồng chí hướng.
Tuy nhiên, hãy lựa chọn những hội nhóm thực sự phù hợp và đọc những thông tin phù hợp. Đừng hoang mang khi thấy bản thân chưa làm được như bạn, chưa học được nhiều như bạn, sợ rằng chỉ còn mình chưa học…
Có không ít học sinh cảm thấy mệt mỏi, sợ hãi thậm chí là ngã bệnh trong thời gian ôn tập vì luôn cảm thấy mình học chưa đủ. Trong thời điểm dịch bệnh, việc học sinh học với thời lượng lớn tiếp xúc với màn hình máy tính, điện thoại đã là một loại áp lực; những lo lắng về dịch bệnh, thi cử cũng luôn là mối băn khoăn của các sĩ tử. Cơ thể dù có khỏe mạnh đến đâu cũng sẽ không thể chịu nổi những áp lực đó trong thời gian lâu dài, và minh chứng là có rất nhiều bạn đã ngã bệnh, suy giảm tinh thần trong giai đoạn này.
Do đó, cô Nga khuyên học sinh hãy lên cho mình một kế hoạch học tập phù hợp, có khung thời gian học tập và khung thời gian nghỉ ngơi, cân bằng dinh dưỡng, tập thể thao, suy nghĩ tích cực và tự tạo năng lượng tích cực cho bản thân. Đó chính là những viên thuốc bổ tuyệt vời giúp tái tạo năng lượng cho học sinh ở giai đoạn này.