Bí quyết áp dụng Học thông qua Chơi tại nhà từ góc nhìn chuyên gia

PV | 11/11/2023, 06:12
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

(GDTĐ) - Hướng tiếp cận giáo dục Học thông qua Chơi (HTQC) sau 4 năm triển khai đã và đang được phổ biến rộng rãi đến cả giáo viên lẫn cha mẹ học sinh.

Chương trình nhằm góp phần tăng tính nhất quán, hiệu quả cũng như duy trì áp dụng xuyên suốt ở trường học lẫn gia đình, chuyên gia giáo dục từ VVOB đã chia sẻ bí quyết dành cho cha mẹ.

3 bí quyết cần lưu ý khi áp dụng Học thông qua Chơi tại gia

Trong 4 năm qua, VVOB Việt Nam đã cùng các đối tác nỗ lực thúc đẩy, đưa hướng tiếp cận Học thông qua Chơi (HTQC) đến giáo viên, cha mẹ học sinh ở nhiều tỉnh, thành tại Việt Nam. Đáp lại những nỗ lực không ngừng nghỉ ấy, dự án đã gặt hái nhiều “quả ngọt” khi không chỉ thầy cô mà cha mẹ học sinh cũng đã và đang tổ chức nhiều hoạt động áp dụng HTQC ngay tại nhà. Tuy nhiên, để hướng tiếp cận giáo dục HTQC được hiểu cũng như áp dụng đúng, đảm bảo đạt hiệu quả như mong muốn, thầy Phó Đức Hòa, nguyên Phó trưởng Khoa Giáo dục tiểu học, trường Đại học Sư phạm Hà Nội, thành viên ban biên soạn tài liệu HTQC, đã đưa ra nhiều lời khuyên hữu ích.

Khuyến khích tham gia tương tác ở mọi thành viên trong gia đình

HTQC được thiết để có thể linh hoạt áp dụng cho cả gia đình ít thành viên đến đại gia đình. Dù vậy, thay vì đặt trách nhiệm cho một thành viên trong gia đình áp dụng HTQC thì mọi thành viên trong gia đình đều được khuyến khích tham gia tương tác, kết nối với con trẻ.

2.jpg

Chia sẻ rõ hơn về những tác động tích cực khi cả nhà cùng tương tác với con, thầy Hòa cho biết: “Về lý thuyết của HTQC, chỉ cần có một thành viên trong gia đình là đã có thể tham gia cùng với người học nhưng sẽ tốt hơn nếu tất cả thành viên cùng tương tác. Khi đó, không khí gia đình vui hơn mà người học còn có thể hoạt động tích cực, phát huy được khả năng lắng nghe và bày tỏ chính kiến.”

Tham khảo nguồn học liệu phù hợp

Hiện nay có nhiều tài liệu để cha mẹ học sinh tham khảo về HTQC. Tuy nhiên, để đảm bảo tính chính thống của tài liệu cũng như tính nhất quán khi áp dụng HTQC giữa nhà trường và gia đình, cha mẹ có thể tham khảo bộ tài liệu do Bộ GD&ĐT phối hợp với VVOB và nhóm chuyên gia biên soạn.

picture2(1).jpg

“Để tránh nhầm lẫn về quan điểm, hiểu đơn thuần HTQC là chơi trò chơi dẫn đến áp dụng chưa đúng, tôi khuyến khích những người làm chuyên môn, các nhà sư phạm, cha mẹ học sinh cũng như bất kỳ ai quan tâm đến HTQC nên tìm đọc tài liệu uy tín để có sự hiểu biết đúng đắn khi lồng ghép HTQC”, thầy Hòa nhận định.Cha mẹ học sinh nên chọn lọc nguồn học liệu chính thống để áp dụng HTQC đúng hướng, đạt hiệu quả như mong đợi.

Cha mẹ học sinh quan tâm có thể liên hệ giáo viên để cùng trao đổi hoặc tìm hiểu thêm bộ tài liệu hướng dẫn HTQC dành cho gia đình. Hiện nay, bộ tài liệu dành riêng cho cha mẹ học sinh đã được hoàn thiện, theo đó HTQC được cụ thể hóa thành các hoạt động đơn giản, gần gũi, áp dụng dễ dàng và linh hoạt. Cha mẹ có thể dễ dàng truy cập, tham khảo tài liệu tại đây.

Tận dụng tối đa không gian để lựa chọn hoạt động phù hợp

Việc tổ chức các hoạt động áp dụng HTQC không đặt nặng yêu cầu phải tạo ra một không gian học tập kiểu mẫu mà con trẻ có thể học và chơi ở bất cứ đâu, tùy vào điều kiện của gia đình. Khi không bị đóng khung trong một không gian học cố định, học sinh sẽ có thêm hứng thú trong học tập, không bị áp lực khi học bài, kể cả bài tập về nhà.

truong-chinh-nghia-hcm-3.png

Thầy Hòa gợi ý thêm về các hoạt động áp dụng cho từng khu vực. Học sinh ở nông thôn, vùng sâu vùng xa có nhiều thuận lợi nếu HTQC được áp dụng dưới hình thức trải nghiệm, tham quan, tìm hiểu thế giới xung quanh và có sự hướng dẫn của giáo viên; hoặc thông qua trải nghiệm các môn học như Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội, hoặc Lịch sử, Địa lý (như các khu di tích lịch sử, bảo tàng…). Học sinh thành phố bên cạnh chương trình dã ngoại, thăm quan thì STEM cũng được xem là một hoạt động áp dụng HTQC theo cách hiểu rộng nhất.

Trách nhiệm và yêu thương: “Chìa khóa” thành công khi áp dụng 3 bí quyết

Để gặt hái “quả ngọt”, HTQC cần được áp dụng mỗi ngày cùng với trách nhiệm và tình yêu thương của cha mẹ dành cho con. “Khi đứa trẻ sống trong tình yêu thương gia đình, không bị áp lực, cảm thấy hứng thú thì chắc chắn con sẽ tự tin phát huy hết khả năng vì biết mình đang được sống trong môi trường học tập tuyệt vời nhất.”, thầy Hòa chia sẻ.

picture3(1).jpg

Từ góc nhìn của một người cha, đã áp dụng HTQC cho cậu con trai 8 tuổi, thầy Hòa đúc kết thêm kinh nghiệm: “Góc khuất của các bậc cha mẹ là vô tình áp đặt con theo cái mà chúng ta nghĩ là phù hợp nhưng đôi khi lại quên rằng, nhu cầu của từng người học là khác nhau dù ở độ tuổi nào. Thay vì đưa ra những yêu cầu mang tính mệnh lệnh, chúng ta hãy đồng hành cùng con học và chơi có ý nghĩa.”.

Thầy cũng cho biết, cách để thầy tự vượt qua được những rào cản của bản thân là tập thay thế cách trả lời con theo hướng tích cực hơn. Theo đó, thay vì nói “Không” với con, cha mẹ có thể thay thành “Cha mẹ chưa trả lời được hoặc Con cùng cha mẹ khám phá nhé”. Sự thay đổi này không chỉ giúp cha mẹ và các con xích lại gần nhau hơn mà còn mang đến nhiều điều thú vị, kích thích sự sáng tạo của trẻ.

HTQC đã và đang mang đến những giá trị tích cực cho ngành giáo dục nói chung và mỗi gia đình nói riêng. Từ chia sẻ của chuyên gia giáo dục, cha mẹ học sinh có thêm hành trang để tự tin hơn khi tổ chức nhiều hoạt động áp dụng HTQC tại nhà, đồng thời góp phần chia sẻ gánh nặng giáo dục của cả thầy cô và cha mẹ trên hành trình nuôi dưỡng các con nên người.

Bài liên quan
‘Học thông qua chơi’: Cầu nối hạnh phúc cho cô trò tiểu học
Cô Phạm Thu Vui, giáo viên chủ nhiệm lớp 3/4 trường tiểu học Nguyễn Thị Định (TP.HCM), đã thành công áp dụng Học thông qua Chơi (HTQC) cho mọi môn học.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bí quyết áp dụng Học thông qua Chơi tại nhà từ góc nhìn chuyên gia