Ngày hội Học thông qua Chơi có gì đặc biệt thu hút phụ huynh tham gia?

PV | 01/11/2023, 22:47
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Ngày hội Học thông qua Chơi trở thành cầu nối đưa hướng tiếp cận giáo dục vui vẻ, hứng thú đến gần hơn với cha mẹ học sinh.

Điều đó đặt triển vọng cho quá trình gia đình và nhà trường cùng khơi gợi hứng thú học tập, góp phần vào sự phát triển toàn diện của trẻ.

Nhiều ý nghĩa từ Ngày hội Học thông qua Chơi

Nhiều năm trở lại đây, ngày hội học đường trở thành hoạt động được cả các bậc cha mẹ lẫn học sinh đón chờ, nhiệt tình tham gia nhờ đa dạng chủ đề, công tác tổ chức chỉn chu và luôn đổi mới để phù hợp từng độ tuổi.

Mỗi niên học bắt đầu, ý tưởng về những ngày hội tổ chức tại trường luôn trở thành chủ đề được bàn luận sôi nổi. Không chỉ là một dịp vui chơi, ngày hội học đường còn được đánh giá cao khi trở thành không gian ngoại khóa, chơi mà học, học mà chơi, lồng ghép được nhiều nội dung rèn luyện kỹ năng mềm cho học sinh.

Cùng mục tiêu tạo hứng thú học tập cho học sinh nhưng lại mang ý nghĩa riêng biệt so với các ngày hội học đường khác, Ngày hội Học thông qua Chơi (HTQC) được đánh giá cao khi hàm chứa ý nghĩa đặc biệt cho học sinh, giáo viên và cả cha mẹ học sinh.

Nằm trong dự án “Lồng ghép Học thông qua Chơi trong giáo dục tiểu học tại Việt Nam” (iPLAY) được Tổ chức VVOB hợp tác cùng Cục Nhà giáo và Cán bộ Quản lý Giáo dục, Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam triển khai từ năm 2019, giai đoạn 2019 - 2023, Ngày hội HTQC đã được tổ chức tại 8 tỉnh thành trên cả nước: Hà Giang, Thái Nguyên, Lai Châu, Nghệ An, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh.

hii-nh-1.jpg

Đông đảo cha mẹ và các em học sinh tham gia Ngày hội HTQC tổ chức tại trường Tiểu học Nguyễn Thị Định, TP.HCM.

Không chỉ là tên gọi của Ngày hội, HTQC còn là hướng tiếp cận giáo dục bền vững góp phần vào sự phát triển toàn diện, đặt nền móng cho việc học tập suốt đời, trang bị nhiều kỹ năng cũng như tạo niềm hứng thú cho trẻ trong việc học.

Quá trình áp dụng HTQC sẽ không dừng lại ở những tiết học tại lớp, mà còn được áp dụng rộng rãi ngay tại nhà. Song song tập huấn hướng tiếp cận HTQC cho giáo viên, cha mẹ cũng được hướng dẫn, khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động HTQC.

Sau chuỗi 82 ngày hội cho hơn 16,000 phụ huynh và học sinh, hướng tiếp cận giáo dục HTQC không chỉ nhận được sự hưởng ứng tích cực mà còn đã và đang thực hiện được mục tiêu kết nối, lan tỏa và phổ cập HTQC đến đông đảo cha mẹ học sinh.

Cô Phạm Thị Quỳnh Anh (Phó Hiệu trưởng trường Tiểu học Trần Văn Dư, TP. Đà Nẵng) chia sẻ: “Năm học 2022 – 2023 vừa qua, nhà trường đã tổ chức Ngày hội HTQC với sự tham gia của 200 cha mẹ học sinh. Chúng tôi luôn mong Ngày hội có thể góp phần truyền tải được lợi ích và đặc điểm của HTQC, đồng thời khuyến khích cha mẹ dành thời gian phối hợp với giáo viên chủ nhiệm nói riêng và nhà trường nói chung để tổ chức các hoạt động HTQC hiệu quả”.

Cha mẹ học sinh đồng lòng áp dụng HTQC

Nhiều cha mẹ chia sẻ trước đây cũng đã có ý thức khơi gợi niềm vui học tập cho con qua nhiều hình thức khác nhau nhưng chưa bài bản và không thường xuyên. Sau khi tham gia Ngày hội HTQC, nhiều cha mẹ học sinh có nhận thức sâu sắc hơn về hướng tiếp cận giáo dục này.

Sau khi tham gia Ngày hội HTQC tại trường Tiểu học Nguyễn Thị Định, TP.HCM, Anh Võ Thanh Vinh chia sẻ: “Vì con đang ở tuổi hứng thú với việc vui chơi nên trước nay tôi vẫn thường lồng ghép một số phép toán khi chơi cờ với con, nhưng chỉ nghĩ đó là một trò chơi bình thường. Sau khi tham gia ngày hội HTQC tại trường, tôi mới biết đây là một hướng tiếp cận giáo dục. Nếu cha mẹ có thể đồng hành cùng con, thực hành áp dụng HTQC tại nhà, sẽ giúp con học hỏi và phát triển được nhiều kỹ năng khác ngay cả khi không phải đang trong giờ học trên lớp”.

hii-nh-2(1).jpg
Học sinh Tiểu học tham gia Học thông qua Chơi.

Không chỉ có ý nghĩa cho quá trình phát triển kiến thức, kỹ năng cho con, áp dụng HTQC tại nhà cũng là cách gia tăng tương tác giữa cha mẹ và con trẻ: “Khi công nghệ ngày càng phát triển mạnh mẽ, tivi, iPad, điện thoại không còn là những thiết bị xa lạ với con, con dễ bị cuốn vào và ảnh hưởng đến khả năng giao tiếp với mọi người. Khi tham gia các hoạt động HTQC cùng với cha mẹ, hai thế hệ trở nên gần gũi hơn. Từ đó, cha mẹ có thể giúp con khám phá tiềm năng và phát triển cảm xúc của bản thân”, anh Vinh chia sẻ thêm.

Thấu hiểu những suy tư, mong đợi cũng như nhu cầu tìm hiểu nhiều hơn về hướng tiếp cận giáo dục HTQC, VVOB đã biên soạn nhiều tài liệu hướng dẫn dành riêng cho cha mẹ học sinh. Trong đó, các tài liệu hướng tiếp cận HTQC được cụ thể hóa thành các hoạt động đơn giản, thực tế để cha mẹ áp dụng dễ dàng và linh hoạt.

hii-nh-3.jpg

Gia đình khắp 8 tỉnh thành áp dụng HTQC tại nhà giúp con phát triển 5 lĩnh vực: Thể chất, Nhận thức, Sáng tạo, Xã hội và Cảm xúc.

HTQC được kỳ vọng sẽ ngày càng phát triển và lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa khi có sự phối hợp của cả nhà trường và gia đình. Đồng thời, cha mẹ học sinh khi nắm vững HTQC sẽ song hành cùng nhà trường để kiến tạo thế hệ mầm non được phát triển toàn diện, từng ngày hướng đến giáo dục bền vững.

Bài liên quan
Hành trình ươm mầm cho học sinh nhờ 'Học Thông Qua Chơi'
(GDTĐ) - Học thông qua Chơi đã được nhiều giáo viên lồng ghép tích cực vào nội dung bài giảng.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ngày hội Học thông qua Chơi có gì đặc biệt thu hút phụ huynh tham gia?