Ngoài ra, một phương pháp khác là cho trẻ uống thuốc bằng thìa. Với những trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, việc uống các viên thuốc dạng viên nén là khó. Do vậy, trẻ nên được uống dạng siro hoặc phải nghiền nhỏ thuốc ra rồi pha với nước. Sau đó, cha mẹ hãy dùng thìa đút cho trẻ.
Bác sĩ Sơn cho biết, phụ huynh nên để đầu trẻ ngẩng cao, mặt hơi nghiêng rồi đưa thìa thuốc vào phía bên trong cằm. Thay vào đó, nên chờ trẻ nuốt hết thuốc và từ từ lấy ra. Cha mẹ cũng không nên để trẻ nằm thẳng xuống khi uống thuốc. Điều quan trọng là để trẻ ngồi hoặc cha mẹ bế bé vào lòng sao cho hơi nghiêng. Như vậy, người cho uống thuốc và trẻ uống đều cảm thấy dễ hơn.
Theo bác sĩ Sơn, khi cho trẻ uống thuốc, cha mẹ và ông bà cần tạo tâm lý thoải mái. Đồng thời, nói cho trẻ biết rằng, uống thuốc là điều bình thường. “Việc bố mẹ dỗ dành, giải thích, khuyến khích bé cũng rất quan trọng, làm cho bé cảm thấy yên tâm và không sợ phải uống thuốc. Khi cho bé uống thuốc, hãy khích lệ, khen, động viên trẻ hoặc dùng một vật mà trẻ thích để thu hút sự chú ý của trẻ”, chuyên gia gợi ý.
Bên cạnh đó, khi pha thuốc cho trẻ, cha mẹ cần dùng nước lọc và thêm một chút nước ấm. Nhờ đó, giúp làm giảm vị đắng của thuốc. Như vậy, trẻ sẽ không có cảm giác muốn nôn/trớ khi uống thuốc.
Theo bác sĩ Sơn, thông thường, thuốc của trẻ có vị hơi ngọt. Tuy nhiên, một số loại thuốc có vị đắng khiến trẻ khó uống. Để trẻ có thể uống các loại thuốc đắng này, phụ huynh nên pha thuốc với mật ong, nước ép trái cây. Nếu trẻ lớn và có khả năng nhận biết tốt, trước khi cho con uống thuốc, cha mẹ hãy để bé ngậm kẹo vị bạc hà và dâu tây. Cách làm này sẽ làm giảm vị khó chịu của thuốc.
Xử trí khi trẻ nôn sau uống thuốc
Trong khi đó, DS Võ Đức Trí, Đơn vị Dược lâm sàng - Thông tin thuốc, Bệnh viện Nhi đồng 1 (Thành phố Hồ Chí Minh), nhấn mạnh, trẻ em không phải là người lớn. Do đó, khi uống thuốc, trẻ thường gặp nhiều khó khăn. Một trong những lo ngại cha mẹ quan tâm là làm gì khi trẻ nôn sau khi uống thuốc. Trẻ nôn sau khi uống thuốc là một trong những vấn đề thường gặp, đặc biệt ở trẻ dưới 4 tuổi.
Câu hỏi không ít phụ huynh đặt ra là: “Có nên cho trẻ uống lại một liều thuốc sau khi nôn?”. Theo DS Trí, trước hết cha mẹ cần xem xét một số yếu tố như: Thời gian từ khi uống thuốc đến khi trẻ nôn; Loại thuốc (thuốc đó có tác dụng điều trị gì); Tình trạng của trẻ sau khi nôn; Lượng thuốc có thể nhìn thấy được khi trẻ nôn ra. Một số yếu tố khác có thể bao gồm: Dạng bào chế của thuốc (dạng viên, siro, hỗn dịch…); Lượng dịch nôn; Tuổi của trẻ.
“Tuy nhiên, thực tế, cha mẹ rất khó để đánh giá một cách toàn diện tất cả các yếu tố trên. Để đảm bảo xử trí tốt nhất, cha mẹ nên xác định càng nhiều thông tin càng tốt, đặc biệt là thời gian chính xác kể từ khi uống thuốc đến lúc trẻ nôn. Đồng thời, nên trao đổi với bác sĩ điều trị hoặc dược sĩ để xem xét các yếu tố khác. Từ đó, cân nhắc “Liệu có nên cho trẻ uống lại một liều thuốc sau khi nôn hay không?”. Theo các hướng dẫn hiện có, việc xác định “thời gian kể từ khi uống thuốc đến khi trẻ nôn” là nội dung quan trọng nhất”, DS Trí chia sẻ.
Sau đó, cha mẹ có thể áp dụng một số nguyên tắc. Với trường hợp trẻ nôn trong vòng 15 phút kể từ khi uống, hoặc thuốc còn nguyên vẹn (đối với dạng viên) trong dịch nôn, cha mẹ có thể cho trẻ uống lại một liều thuốc. Nếu tình trạng nôn xảy ra từ 15 - 60 phút kể từ khi uống, cha mẹ có thể cho trẻ uống lại một liều thuốc, nếu lợi ích điều trị lớn hơn so với nguy cơ quá liều.
Chuyên gia này gợi ý, đối với trẻ dưới 6 tuổi (đặc biệt dưới 4 tuổi), cha mẹ nên chọn các dạng thuốc dễ uống (dạng lỏng, bột) và mùi vị dễ chịu. Trường hợp phải sử dụng thuốc dạng viên, nên nghiền và hòa với nước khi uống. Không nên pha thuốc với sữa vì có thể xảy ra tương tác thuốc - sữa, hoặc trẻ có thể không chịu uống sữa vì đắng. Trừ trường hợp thuốc yêu cầu phải uống lúc no hoặc ngay sau/trước khi ăn, nên cho trẻ uống thuốc cách xa bữa ăn/cữ sữa để hạn chế nôn.
“Nếu trẻ phải uống nhiều loại thuốc, nên phân chia thời gian uống hợp lý. Có thể tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc dược sĩ về phân chia thời gian uống. Nhờ đó, vừa đảm bảo hiệu quả của thuốc, vừa hạn chế nôn do uống quá nhiều thuốc cùng một lúc. Với thuốc loại sirô, không nên cho trẻ uống khi đang quấy khóc. Nếu không, trẻ sẽ bị ngạt hoặc sặc thuốc. Cố gắng tạo không khí vui tươi, dễ chịu. Đối với trẻ lớn có thể giải thích cho con hiểu rằng, uống thuốc để hết bệnh. Như vậy, trẻ sẽ “hợp tác” cùng ba mẹ”, DS Trí cho biết.
Trong trường hợp trẻ hít sặc, nếu bé dưới 1 tuổi, cha mẹ được gợi ý thực hiện thủ thuật vỗ lưng ấn ngực. Với trẻ từ 1 tuổi trở lên, cha mẹ thực hiện thủ thuật Heimlich. Đây là thủ thuật dùng tay của người cứu hộ gây ra một áp lực mạnh trong đường dẫn khí. Nhờ đó, đẩy dị vật gây tắc khí quản ra khỏi đường hô hấp trên. Sau đó, cha mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được cấp cứu kịp thời.