Ba doanh nghiệp nợ gần 100 tỷ tiền BHXH
Về điều kiện an toàn PCCC, đại diện lãnh đạo Công an TP Hải Phòng cho biết, qua rà soát toàn thành phố có 2.600 hộ gia đình cho thuê nhà trọ với hơn 2.800 nhà trọ và 21.350 phòng trọ. Tổng số người thuê là hơn 25.200 người.
Theo lãnh đạo Công an TP Hải Phòng, nhà trọ từ 7 tầng trở lên hoặc có khối tích từ 5.000m3 trở lên thuộc diện phải thực hiện thủ tục hành chính về thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu về PCCC.
Nhà trọ dưới 7 tầng hoặc khối tích dưới 5.000 không phải thực hiện thủ tục thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu về PCCC nhưng phải tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn và Nghị định 136 của Chính phủ về an toàn PCCC…
Do đó, Công an TP Hải Phòng đề nghị công nhân, viên chức và người lao động trước khi thuê trọ cần kiểm tra các điều kiện an toàn PCCC đối với cơ sở dự kiến thuê. Nếu phát hiện không đảm bảo các yêu cầu, có thể phản ánh đến cơ quan chức năng để xử lý kịp thời.
Tại buổi đối thoại, rất nhiều công nhân tại các công ty (Công ty chế biến thủy sản xuất khẩu Hải Phòng, Công ty CP Lisemco, Công ty TNHH Gleeco) bày tỏ không được hoặc chậm đóng bảo hiểm xã hội, không được chốt sổ bảo hiểm trong nhiều năm dẫn đến họ không được hưởng chế độ ốm, hưu trí… Nhiều vụ việc kéo dài không được giải quyết khiến công nhân bức xúc, cầu cứu các cơ quan quản lý.
Đại diện Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP Hải Phòng cho biết, Công ty chế biến thủy sản xuất khẩu Hải Phòng mới hoàn thành đóng BHXH đến hết tháng 6/2013, tính đến hết tháng 4/2023, công ty này chậm đóng 19,6 tỷ đồng.
Công ty CP Lisemco chậm đóng BHXH hơn 65 tỷ đồng, mới hoàn thành đóng BHXH đến hết tháng 11/2014. Còn chủ Công ty TNHH May quốc tế Gleeco Việt Nam đã bỏ trốn, dừng đóng BHXH từ tháng 7/2021. Doanh nghiệp này còn chậm đóng 12,8 tỷ đồng.
Đại diện BHXH TP Hải Phòng cho biết, 3 công ty nêu trên có tình trạng chung nợ BHXH lớn, không thực hiện trả nợ hoặc không còn khả năng trả nợ BHXH, do đó làm ảnh hưởng rất lớn tới quyền lợi của công nhân, lao động.
Nhiệm vụ trọng tâm với công nhân
Kết luận tại buổi đối thoại, Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu bày tỏ đồng tình với những giải đáp của các sở ngành thành phố. Bí thư Thành ủy Hải Phòng nêu 3 vấn đề trọng tâm trao đổi tại buổi đối thoại.
Thứ nhất, nhà ở xã hội, nhà ở cho người có thu nhập thấp là vấn đề rất cần thiết, cấp thiết với người dân. Thành phố đang nỗ lực chuẩn bị phát triển 47.000 căn nhà ở xã hội, vượt xa chỉ tiêu mà Thủ tướng Chính phủ giao thành phố đến 2025 và năm 2030.
Đồng thời, nỗ lực thay đổi quan điểm của nhiều người về nhà ở xã hội là "không gian cho các đối tượng thu nhập thấp, các điều kiện sống vừa đủ", thành phố muốn xây dựng nhà ở xã hội là không gian ở mới đồng bộ, tiện nghi, có đầy đủ hạ tầng xã hội và vừa phải với túi tiền, khả năng chi trả của đa số người dân.
Ưu tiên nhà ở xã hội gắn với đô thị, gắn với các khu sản xuất, khu dịch vụ tạo công ăn việc làm. Hạn chế các dự án nhỏ, chuyển sang mô hình dự án khu ở, đơn vị ở đồng bộ, tiện nghi với quy mô lớn.
Thứ hai, đối với vấn đề đào tạo nghề lao động hiện nay chất lượng, số lượng cơ sở đào tạo nghề của địa phương không đồng đều, chưa tương xứng nhu cầu. Thành phố đang nghiên cứu, xây dựng đề án tổng thể, rà soát sắp xếp lại các cơ sở có trọng tâm, trọng điểm vào một số ngành, lĩnh vực đào tạo nghề có nhu cầu cao. Đồng thời, tăng cường liên kết các đơn vị sử dụng lao động, hợp tác quốc tế, thu hút các cơ sở đào tạo lao động tư nhân để đa dạng hóa lựa chọn và tăng tính cạnh tranh.
Thứ ba, về các vấn đề xã hội như: bệnh viện, trường học, bảo hiểm, nhu cầu thụ hưởng văn hóa, thành phố đã nhận diện được những tồn tại, bất cập và sẽ quan tâm, đầu tư nhiều hơn nữa cho các lĩnh vực này. Đặc biệt, xây dựng trường đạt chuẩn, xây dựng trường mầm non, mẫu giáo; mở rộng các đối tượng thụ hưởng chính sách miễn, giảm học phí; tăng cường tổ chức các chương trình biểu diễn nghệ thuật, sân khấu hóa tại các khu công nghiệp...