Trong 2 vùng kinh tế, phân vùng Bắc gồm 4 đơn vị hành chính: Thị xã Hoài Nhơn, huyện Hoài Ân, huyện Phù Mỹ, huyện An Lão. Đây là vùng phát triển bảo tồn rừng tự nhiên, phát triển du lịch sinh thái, sản xuất thiết bị phụ trợ phục vụ các dự án năng lượng tái tạo, chế biến gang thép, đóng tàu, cảng biển chuyên dùng, chăn nuôi, nuôi trồng, chế biến thủy, hải sản công nghệ cao.
Riêng phân vùng Nam gồm 7 đơn vị hành chính: TP. Quy Nhơn, thị xã An Nhơn, huyện Tuy Phước, huyện Vân Canh, huyện Phù Cát, huyện Tây Sơn, huyện Vĩnh Thạnh. Đây là vùng động lực chính của tỉnh, phát triển đa ngành: Công nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp, du lịch, thương mại, dịch vụ, vận tải biển, đô thị thông minh.
Trong 3 cực phát triển, thành phố Quy Nhơn và vùng phụ cận được xác định là động lực chính, hạt nhân phát triển phía Nam tỉnh; Thị xã Hoài Nhơn là cửa ngõ phía Bắc đồng thời là hạt nhân thúc đẩy sự phát triển phía Bắc tỉnh; huyện Tây Sơn (Đô thị Tây Sơn dự kiến) là cực phía Tây và là hạt nhân thúc đẩy phát triển phía Tây của tỉnh.
Trong 3 hành lang kinh tế, hành lang kinh tế Bắc Nam phát triển dọc theo Quốc lộ 1, kết nối các đô thị và CCN, KCN của Bình Định với các CCN, KCN dọc duyên hải miền Trung, phát triển công nghiệp, đô thị và thúc đẩy giao thương Bắc Nam. Hành lang kinh tế biển phát triển dọc tuyến đường bộ ven biển (ĐT 639), kết nối các không gian kinh tế ven biển, phát triển đô thị du lịch dịch vụ biển, công nghiệp phụ trợ, đóng tàu, cảng biển, nuôi trồng thủy hải sản ứng dụng công nghệ cao và năng lượng tái tạo.
Cuối cùng là hành lang kinh tế Đông Tây phát triển dọc theo các tuyến giao thông Đông Tây của QL 19, thúc đẩy giao thương kinh tế với các tỉnh Tây Nguyên và các nước thuộc tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng.
Kết thúc phiên họp thẩm định, các thành viên Hội đồng đã bỏ phiếu đồng ý thông qua Quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050, làm cơ sở trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong thời gian tới.
Lưu Bang