Tại Bình Dương, các chuyên gia trong đoàn thử nghiệm của Bộ GD&ĐT đã đến các trường để triển khai các kĩ thuật cơ bản để triển khai thử nghiệm, đánh giá sự phù hợp và tính xác thực của các chỉ số trong Dự thảo chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi, bao gồm: Đánh giá trẻ trực tiếp ở các lĩnh vực phát triển Thể chất, Nhận thức, Ngôn ngữ, Tình cảm – quan hệ xã hội, Thẩm mỹ, Tiếp cận với việc học; Quan sát trẻ trực tiếp qua hoạt động tạo hình và nghiên cứu sản phẩm của trẻ.
Nhóm mẫu tham gia thử nghiệm gồm 120 trẻ 5 tuổi, 120 giáo viên, 120 phụ huynh được lựa chọn ngẫu nhiên, đến từ các trường đại diện cho vùng thuận lợi và vùng khó khăn, trường công lập và ngoài công lập. Trẻ tham gia thử nghiệm được đoàn thử nghiệm lựa chọn ngẫu nhiên dựa trên danh sách hiện có của trẻ 5 tuổi đang học ở các trường, đảm bảo nguyên tắc về giới tính (nam-nữ), vùng miền (thuận lợi-khó khăn), loại hình trường học (công lập-tư thục).
Xây dựng Bộ chuẩn mới và thử nghiệm tại địa phương để đánh giá tính xác thực của các chuẩn, chỉ số là điều cần thiết. |
Bà Huỳnh Thị Thủy Trinh, Hiệu trưởng Trường mầm non Tuổi Ngọc, Tp Thủ Dầu Một, cho biết: Cùng với sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế - xã hội của đất nước thì sự phát triển của trẻ em nói chung và trẻ 5 tuổi nói riêng có những thay đổi đáng kể, vì vậy xây dựng Bộ chuẩn mới và thử nghiệm tại địa phương để đánh giá tính xác thực của các chuẩn, chỉ số là điều cần thiết. Chúng tôi mong chờ sớm có một bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi để các trường dựa vào đó thực hiện.
Tại buổi tập huấn trực tiếp, các chuyên gia Trung ương bao gồm cán bộ nghiên cứu thuộc Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Mầm non, Ban nghiên cứu đánh giá giáo dục, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, chuyên viên Vụ GDMN đã hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật về quy trình tiến hành và cách sử dụng công cụ đánh giá các chỉ số trong Dự thảo Bộ chuẩn. Các bé 5 tuổi tại các trường mầm non tham gia thử nghiệm đã phối hợp tốt, thực hiện các nhiệm vụ theo yêu cầu của người đánh giá với tâm thế thoải mái, tự nhiên.
Hoạt động thử nghiệm Bộ chuẩn mới tại các địa phương để đánh giá tính xác thực của các chuẩn, chỉ số phù hợp với trẻ em 5 tuổi. |
Theo ghi nhận từ các chuyên gia của đoàn, giáo viên và cha mẹ của trẻ tại các trường thử nghiệm đều nhận thấy ý nghĩa của bộ chuẩn, cũng như vai trò phối hợp giữa nhà trường, gia đình trong việc đảm bảo chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục, chuẩn bị tâm thế cho trẻ em 5 tuổi vào lớp một. Nhìn chung ý kiến đều cho rằng cần sớm hoàn thiện chuẩn để ban hành, điều này sẽ góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dạy và giáo dục trẻ.
Còn theo bà Nguyễn Thị Thanh Huyền: "Chúng tôi, các chuyên gia GDMN đều hiểu sự cần thiết của việc ban hành chuẩn. Thực hiện Luật Giáo dục, trong những năm qua, Bộ GD&ĐT đã tổ chức khảo sát các địa phương, đánh giá, nghiên cứu xây dựng Dự thảo và tổ chức nhiều hội thảo khoa học, tọa đàm về xây dựng “Bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi”. Hoạt động thử nghiệm Bộ chuẩn mới tại các địa phương để đánh giá tính xác thực của các chuẩn, chỉ số phù hợp với trẻ em 5 tuổi là một công việc cần thiết và quan trọng, để chuẩn được sớm chính thức ban hành".
Với đa dạng mục tiêu sử dụng, “Bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi” không chỉ hướng dẫn về sự phát triển tối ưu của trẻ 5 tuổi, mà còn làm căn cứ xây dựng và phát triển chương trình giáo dục mầm non quốc gia, địa phương, nhà trường; Đánh giá chất lượng và điều chỉnh chương trình giáo dục trẻ; Cải thiện và nâng cao năng lực của đội ngũ nhà giáo; Phát triển các nguồn tài liệu nâng cao nhận thức cho các bậc cha mẹ và cộng đồng cùng tham gia chăm sóc - giáo dục trẻ; Giám sát quốc gia về giáo dục và đề xuất chính sách phát triển GDMN Việt Nam, khu vực và quốc tế.