Bộ GD&ĐT cũng quy định rõ, đối tượng học thêm là học sinh có nhu cầu học thêm, tự nguyện học thêm và được gia đình đồng ý. Giáo viên không được dùng bất cứ hình thức nào để ép buộc gia đình học sinh và học sinh học thêm. Hoạt động dạy thêm, học thêm phải góp phần củng cố, nâng cao kiến thức, kỹ năng, phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý và không gây nên tình trạng vượt quá sức tiếp thu của học sinh.
Thông tư 17 cũng quy định rõ các trường hợp không được dạy thêm, học thêm. Thứ nhất, không dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày. Thứ hai, không dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống.
Thứ ba, giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập không được dạy thêm ngoài nhà trường, dạy chính học sinh của mình khi chưa được sự cho phép của thủ trưởng cơ quan quản lý giáo viên đó.
Theo Bộ trưởng GD&ĐT, UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn; ban hành văn bản quy định về dạy thêm, học thêm trên địa bàn. Đồng thời trách nhiệm của Sở GD&ĐT là cơ quan đầu mối thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện quy định này. Sở sẽ chịu trách nhiệm trước UBND cấp tỉnh về quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn theo quy định.
Gần đây nhất, Bộ cũng ban hành thông tư 32 năm 2020 để quy định chi tiết hơn các hoạt động dạy thêm, học thêm trong nhà trường. Thời gian tới Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục tham mưu Chính phủ đề xuất Quốc hội đưa hoạt động dạy thêm, học thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện.