Đại diện các cục, vụ của Bộ GD&ĐT trao đổi tại buổi làm việc. |
Nhìn chung, việc lựa chọn SGK của các cơ sở giáo dục phổ thông tại Bình Phước được thực hiện công khai, minh bạch, dân chủ, tập trung, khách quan và đúng quy định của pháp luật, phù hợp với đề xuất của các cơ sở giáo dục.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đề nghị Sở GD&ĐT Bình Phước tiếp thu nghiêm túc, đầy đủ ý kiến của các vụ, cục. Cần chuẩn bị kỹ để báo cáo, nhận định với đoàn giám sát đúng, rõ, khách quan, chính xác ngay từ ban đầu. Tránh việc khi có kết luận có đoàn giám sát mới thấy nội dung chưa phù hợp, phải giải trình.
Thứ trưởng cũng đặc biệt lưu ý phải nắm chắc các văn bản chỉ đạo và quán triệt sâu sắc tư tưởng chỉ đạo đổi mới. Trong đó, một số văn bản quan trọng như: Nghị quyết 29 của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT; Nghị quyết 88 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông; Nghị quyết 44 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 29; Quyết định 404 của Chính phủ phê duyệt Đề án đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông; Thông tư 32 ban hành Chương trình GDPT 2018; và nhiều văn bản hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.
Cùng với đó, đội ngũ, nhất là đội ngũ cán bộ quản lý phải nắm chắc Chương trình GDPT 2018, sự khác biệt của Chương trình GDPT 2018 với Chương trình GDPT 2006. Những khác biệt từ quan điểm, mục tiêu của Chương trình GDPT; nội dung và thời lượng giáo dục; phương pháp dạy học đến vai trò sách giáo khoa; vai trò của giáo viên; yêu cầu với học sinh, cha mẹ học sinh; vai trò chủ động của cơ sở giáo dục; điều kiện về cơ sở vật chất và thiết bị dạy học; trách nhiệm của địa phương.
Đầu cầu Sở GD&ĐT Bình Phước có sự tham gia của lãnh đạo Sở và một số UBND cấp huyện, Phòng GD&ĐT, các trường phổ thông. |
Hiện nay, 100% cơ sở giáo dục có cấp Tiểu học ở Bình Phước dạy môn Tiếng Anh, Tin học ở lớp 3. Cơ bản các trường đã bố trí đầy đủ giáo viên dạy lớp 1, 2, 3, 6, 7, 10 theo Chương trình GDPT 2018 phù hợp với tình hình thực tế tại trường.
Một việc rất quan trọng, theo Thứ trưởng, phải đổi mới công tác quản lý, quản trị trường học. Chuyển từ quản trị nhân sự sang quản trị nguồn nhân lực. Nếu quản trị nhân sự theo hướng khai thác, sử dụng đội ngũ thì quản trị nguồn nhân lực coi đội ngũ là tài sản tạo ra chất lượng giáo dục, do đó cần phải có chính sách phù hợp để động viên, khuyến khích đội ngũ, người quản lý cần tạo điều kiện hỗ trợ để giáo viên có thể thực hiện nhiệm vụ tốt nhất. Từ nhận thức như vậy, công tác bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ cần phải được đặt lên hàng đầu.
“Hiệu quả công việc bằng tích của 3 chữ làm: Biết làm, được làm, có động lực để làm. Chỉ cần một thừa số bằng không thì tích bằng không”, Thứ trưởng chia sẻ.
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng đồng thời lưu ý, làm rõ một số vấn đề liên quan đến môn Khoa học tự nhiên ở THCS; việc có môn học bắt buộc và lựa chọn ở THPT; xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường...