Đầu năm 2021, loạt thông tư về bổ nhiệm, xếp hạng và lương giáo viên của Bộ GD&ĐT từng bị phản ứng gay gắt do quy định muốn lên hạng, giáo viên phải học thêm chứng chỉ chức danh nghề nghiệp tốn 2,5 - 0 5 triệu đồng.
Sau khi Thủ tướng yêu cầu Bộ Nội vụ, Bộ GD&ĐT sửa đổi các quy định liên quan, việc này đã được tháo gỡ.
Tuy nhiên, vừa qua, một nhóm hơn 300 giáo viên THCS ở Hà Nội bức xúc vì không đủ điều kiện nộp hồ sơ xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp.
Theo các thông tư mới của Bộ GD&ĐT về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương giáo viên công lập, giáo viên được chia thành ba hạng I, II, III. Tương ứng với từng hạng, giáo viên có mức lương khác nhau, hạng I cao nhất.
Trong đó, giáo viên tiểu học, THCS hạng II phải có thời gian giữ chức danh nghề nghiệp hạng III từ 9 năm trở lên. Thời gian giữ hạng III được tính từ lúc giáo viên đạt trình độ chuẩn theo Luật Giáo dục 2019.
Thực tế trước đây ngành giáo dục chỉ yêu cầu giáo viên tiểu học tốt nghiệp trung cấp, giáo viên THCS tốt nghiệp cao đẳng trở lên. Khi Luật Giáo dục 2019 ra đời, nhiều giáo viên đã có hàng chục năm giảng dạy mới đi học thêm nâng bằng lên đại học để đạt chuẩn mới.
Thậm chí có những giáo viên vào biên chế gần 15 - 20 năm, hoàn thành tốt nhiệm vụ, đã có bằng đại học... nhưng khi đăng ký xét thăng hạng II, hồ sơ bị trả về vì hiệu lực bằng đại học của giáo viên này mới được 4 năm (thiếu 5 năm theo quy định).
Do đó, hơn 300 giáo viên cùng làm đơn kiến nghị gửi Bộ GD&ĐT. Trong đơn, các giáo viên cho biết đã đạt tiêu chuẩn theo quy định của Bộ, "chờ mòn mỏi để có cơ hội thăng hạng đợt này nhưng đành ngậm ngùi lỡ hẹn khi bằng đại học chưa đủ 9 năm".
Hiện lương giáo viên hạng III dao động 4,2-8,9 triệu đồng. Trong khi đó, lương giáo viên hạng II từ 7,2 đến 11,5 triệu đồng/tháng.