Thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, Bộ GD&ĐT có văn bản chỉ đạo sở GD&ĐT cấp tỉnh đảm nhận việc bổ nhiệm, điều động cán bộ quản lý trường mầm non, tiểu học, THCS công lập thay cho cấp huyện.
Như vậy, thay vì chỉ đảm trách công việc bổ nhiệm, điều động cán bộ quản lý cho khoảng vài chục đến một hai trăm trường THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên như trước đây, sắp tới mỗi sở GD&ĐT sẽ điều động, bổ nhiệm hàng nghìn, thậm chí cả chục nghìn hiệu trưởng, phó hiệu trưởng các cấp.
Trong bối cảnh sáp nhập, tỉnh mới hình thành trên vài ba tỉnh cũ, công việc của các sở GD&ĐT được dự báo sẽ vô cùng lớn. Chỉ tính riêng Bình Dương (khoảng 730 trường), TPHCM (khoảng 2.300 trường), Bà Rịa - Vũng Tàu (khoảng 450 trường) sau khi sáp nhập thì số hiệu trưởng, hiệu phó của TPHCM mới mà sở GD&ĐT phải đảm trách công tác bổ nhiệm, điều động là gần 10 nghìn người.
Khó khăn là không thể tránh khỏi khi khối lượng công việc của sở GD&ĐT mới tăng nhiều, nhất là với công việc phức tạp và nhạy cảm như bổ nhiệm, điều động cán bộ quản lý.
Vì thế, xung quanh quy định mới về thẩm quyền điều động, bổ nhiệm cán bộ quản lý trường mầm non, tiểu học, THCS công lập, cũng có một số ý kiến thắc mắc tại sao không giảm tải cho cấp sở, chuyển thẩm quyền này về cấp xã. Các ý kiến này cho rằng UBND cấp xã mới được giao thực hiện quản lý Nhà nước về giáo dục đối với các trường THCS, tiểu học, mầm non; quản lý Nhà nước trực tiếp cấp xã mới sẽ đánh giá sát cán bộ hơn...
Tuy vậy, đại đa số ý kiến trong và ngoài ngành vẫn thống nhất, dù cấp sở có nhiều việc, khó khăn đến mấy cũng phải quản thêm việc điều động, bổ nhiệm cán bộ quản lý trường mầm non, tiểu học, THCS và công việc này không nên giao cho cấp xã. Thực tế thời gian qua, công tác bổ nhiệm cán bộ quản lý thuộc thẩm quyền cấp huyện đã diễn ra không ít bất cập mà nếu giao tiếp cho cấp xã thì tình hình cũng tương tự.
Đó là tình trạng một số nơi chính quyền bổ nhiệm số lượng cán bộ quản lý vượt quá cao so với quy định; lãnh đạo một số huyện chưa thực hiện nghiêm túc, đầy đủ quy trình đề bạt, bổ nhiệm.
Mặc dù các phòng GD&ĐT có tham mưu nhưng có nơi chính quyền vẫn quyết theo ý mình mà chưa xem trọng yếu tố chuyên môn, người được bổ nhiệm chưa thuyết phục được đội ngũ giáo viên cơ sở về năng lực. Một số huyện còn chưa thực sự công tâm, khách quan trong điều động, bổ nhiệm, tồn tại nhiều vấn đề “nhạy cảm”.
Việc các sở GD&ĐT được bổ nhiệm, điều động hiệu trưởng, phó hiệu trưởng các cấp là hợp lý, góp phần khắc phục những bất cập trong thời gian vừa qua, bám sát yêu cầu về chuẩn nghề nghiệp, kỹ năng quản lý, thực hành sư phạm của người được bổ nhiệm, nâng cao chất lượng đội ngũ quản lý giáo dục ở cơ sở.
Ngành Giáo dục các tỉnh sẽ có điều kiện thuận lợi hơn để quy hoạch đội ngũ tổng thể, từ đó tiến hành bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ quản lý đúng nhu cầu thực tế, giải quyết việc thừa thiếu cục bộ. Cách làm này cũng khớp với nội dung dự án Luật Nhà giáo được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp 8 (tháng 10/2024) và Kỳ họp 9 đang diễn ra, được đông đảo cán bộ quản lý, giáo viên và người ngoài ngành bày tỏ sự đồng thuận cao.
Vấn đề quan trọng là thời gian tới, các sở GD&ĐT triển khai thẩm quyền điều động, bổ nhiệm của mình thế nào để đạt hiệu quả tốt nhất. Những hành lang pháp lý cơ bản về điều động, bổ nhiệm cán bộ đã có, bối cảnh mới này cần nhất ở các sở GD&ĐT là sự nỗ lực vượt khó, lắng nghe ý kiến, xây dựng quy trình phù hợp, đảm bảo hài hòa chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý nhà trường, đáp ứng yêu cầu từ cơ sở, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.