Bác sĩ Hưng cho biết Tổ chức Y tế thế giới và các hiệp hội chuyên ngành đã nhiều lần khuyến cáo "không sử dụng testosterone cho đàn ông ở cặp vợ chồng vô sinh hay những người còn mong muốn có con". Đáng nói, không chỉ với quý ông mà chính các thầy thuốc (không trong lĩnh vực sức khỏe sinh sản) cũng hiểu nhầm.
Can thiệp điều trị hiếm muộn tại một bệnh viện ở Hà Nội
Theo bác sĩ Hưng, testosterone được sản xuất chủ yếu ở tinh hoàn, chỉ có một lượng nhỏ do vỏ ngoài của tuyến thượng thận tạo nên. Để xác định một trường hợp có nên bổ sung testosterone hay không, các bác sĩ sẽ phải đánh giá nồng độ chất này có trong cơ thể.
Nếu nồng độ thấp, các bác sĩ sẽ sử dụng phương pháp làm tăng testosterone theo cơ chế nội sinh, tức kích thích tinh hoàn tạo ra testosterone để sinh tinh và giúp tinh trùng khỏe mạnh hơn. Việc bổ sung từ bên ngoài (gọi là ngoại sinh) có thể làm tăng lượng testosterone trong máu nhưng lại không làm tăng được testosterone trong tinh hoàn nên không sinh tinh. Thậm chí, nó còn gây ra tác dụng ngược, dẫn tới ức chế, suy giảm khả năng sinh tinh. Đặc biệt, bổ sung testosterone liều cao và kéo dài có thể sẽ làm ngừng sinh tinh.
Tinh trùng là yếu tố quyết định đến sự thành công của quá trình thụ thai. Khi tinh trùng bị giảm về chất lượng và số lượng sẽ khiến khả năng thụ thai bị suy giảm, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe sinh sản. Tuy nhiên, một số bác sĩ nam khoa cũng lưu ý những quý ông đang muốn có con tuyệt đối không được tùy tiện bổ sung testosterone.
Nếu gặp bất cứ vấn đề sức khỏe tình dục nào, người dân cần được thăm khám và điều trị bởi bác sĩ chuyên khoa, không tùy tiện sử dụng các thuốc và sản phẩm bổ sung.