Bên cạnh đó, ngay khi sách chưa phát hành đã yêu cầu nhà xuất bản cung cấp file PDF lên các trang của nhà xuất bản để học sinh có thể lấy các file xuống một cách thuận tiện. Bộ trưởng GD&ĐT cũng cho biết, Bộ đang triển khai các giải pháp để đưa giá thành sách ở mức hợp lý nhất, thuận tiện cho người học.
Về thông tin trên mạng nói sách giáo khoa không dùng lại được, Bộ trưởng GD&ĐT khẳng định: Các sách theo bộ mới biên soạn hoàn toàn dùng lại được chứ không phải là sách dùng một lần.
Theo Bộ trưởng, chương trình thay sách làm theo hình thức cuốn chiếu, mỗi năm làm một vài cấp học nên mất nhiều năm mới thay xong. Cụ thể giai đoạn này thay lớp 1, lớp 2, lớp 3, lớp 7, lớp 10, còn năm tới là lớp 4, lớp 8 và lớp 11. Như vậy, năm nào cũng có nhiệm vụ thay sách thì đương nhiên sách cũ sẽ không dùng được cho năm mới.
Nhưng những sách biên soạn mới là những sách hoàn toàn có thể dùng lại được và Bộ cũng đã chỉ đạo các trường tăng cường mua sách đưa vào các thư viện để học sinh có thể dùng nhiều lần.
Trước đó, thảo luận tại hội trường chiều 23/5, nhiều đại biểu Quốc hội đã nêu ra nhiều bất cập về chương trình đổi mới sách giáo khoa, thậm chí có câu hỏi, liệu có những tiêu cực trong lựa chọn sách giáo khoa hay không.
Có đại biểu đề cập, sách giáo khoa không được sử dụng lại nên mỗi năm tốn không ít tiền của phụ huynh để mua sách giáo khoa mới, gây khó khăn cho các gia đình có con đi học, nhất là với gia đình khó khăn.
Xuất phát từ thực tiễn khách quan, các đại biểu Quốc hội đã đề nghị Quốc hội nên lựa chọn vấn đề đổi mới sách giáo khoa, đổi mới chương trình giáo dục để thực hiện giám sát tối cao.