Việc này nhiều khi còn tiết kiệm chi phí bán hàng cho chủ đầu tư, vì các sàn bất động sản là đơn vị bán hàng chuyên nghiệp (có sẵn dữ liệu khách hàng, có sẵn liên kết các sàn, có sẵn các kênh tiếp thị, quảng cáo…) nên hiệu quả và hiệu suất cao hơn.
Qua nghiên cứu nhiều nước, giao dịch bất động sản được thực hiện thông qua sàn bất động sản hoặc các đại lý, tổ chức môi giới.
Ngăn chặn hành vi lừa đảo trong giao dịch bất động sản
Bộ trưởng Bộ Xây dựng cũng khẳng định, các giao dịch bất động sản hình thành tương lai có nhiều đặc thù như: Tài sản chưa hình thành, pháp lý của dự án bất động sản phức tạp, điều kiện đưa vào kinh doanh phải được kiểm soát theo thực tế triển khai của dự án, trong khi các giao dịch này không thực hiện qua công chứng.
Do vậy, cần thiết đưa vào giao dịch qua sàn để đảm bảo công khai, minh bạch, giúp ngăn chặn các hành vi lừa đảo trong giao dịch bất động sản.
"Việc yêu cầu giao dịch bất động sản qua sàn nhằm minh bạch hóa hoạt động của tất cả các chủ thể tham gia thị trường, tránh rủi ro cho người dân, hạn chế hiện tượng khiếu kiện gây mất trật tự, an ninh xã hội" - ông Nghị nêu.
Cùng với đó, nâng cao được vai trò, trách nhiệm của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bất động sản; tạo lập được môi trường đầu tư kinh doanh bất động sản lành mạnh, ổn định.
Tuy nhiên, người đứng đầu ngành xây dựng khẳng định, cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ báo cáo Chính phủ để tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng các ý kiến góp ý về nội dung này, đảm bảo hoàn thiện quy định về sàn giao dịch bất động sản cho phù hợp.
Dự thảo luật quy định 2 loại bất động sản phải giao dịch qua sàn gồm: Nhà ở, công trình xây dựng hình thành trong tương lai và quyền sử dụng đất đã có hạ tầng kỹ thuật trong dự án bất động sản để người dân tự xây dựng nhà ở.
Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân thực hiện giao dịch mua bán, chuyển nhượng, cho thuê mua, cho thuê nhà ở, công trình xây dựng và quyền sử dụng đất thực thông qua sàn giao dịch bất động sản.