"Quy định lực lượng cảnh vệ thành lập ở Bộ Công an, khi cần mới thành lập đội cảnh vệ ở tỉnh, quân số lấy từ các đơn vị trong công an tỉnh", Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu.
Trường hợp cần thiết thì phối hợp với Bộ Quốc phòng
Chiều 12/6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo l uật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ.
Theo dự thảo, trong trường hợp cấp thiết để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, công tác đối ngoại, Bộ trưởng Công an quyết định áp dụng biện pháp cảnh vệ phù hợp đối với trường hợp không thuộc diện cảnh vệ.
Báo cáo tiếp thu giải trình, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Lê Tấn Tới cho biết, một số đại biểu đề nghị bổ sung thêm thẩm quyền của Bộ trưởng Quốc phòng vào điều khoản này bên cạnh Bộ trưởng Công an để đảm bảo đồng bộ.
Ông Lê Tấn Tới cho biết, theo quy định của Luật Cảnh vệ hiện hành, Bộ Công an chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý Nhà nước về công tác cảnh vệ. Bộ Quốc phòng có trách nhiệm bảo đảm an toàn tuyệt đối cho đối tượng cảnh vệ do quân đội đảm nhiệm.
Như vậy, việc áp dụng biện pháp cảnh vệ đối với trường hợp không thuộc đối tượng quy định của Luật Cảnh vệ đều thuộc trách nhiệm của Bộ Công an. "Trong trường hợp cần thiết thì phối hợp với Bộ Quốc phòng, các bộ, ngành khác để thực hiện công tác cảnh vệ theo quy định của Luật Cảnh vệ", ông Lê Tấn Tới nói.
Vì vậy, Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh (UBQPAN) đề nghị không bổ sung thẩm quyền của Bộ trưởng Quốc phòng khi quyết định áp dụng biện pháp cảnh vệ đối với trường hợp không thuộc đối tượng cảnh vệ.
Khi cần mới thành lập đội cảnh vệ ở tỉnh
Về lực lượng cảnh vệ, Thường trực UBQPAN thấy rằng, luật hiện hành quy định lực lượng này được tổ chức tại Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, đồng thời quy định trách nhiệm của công an tỉnh, thành trong việc thực hiện theo sự chỉ đạo, hướng dẫn về nghiệp vụ công tác cảnh vệ.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh, các quy định này đã được thực hiện ổn định trong thời gian qua. Tuy nhiên, hiện nay số lượng đối tượng cảnh vệ nhiều, tại một số địa phương thường xuyên phải triển khai công tác cảnh vệ như thành phố Hà Nội , TPHCM và một số địa phương khác. Do vậy, nhu cầu thành lập các đơn vị cảnh vệ cấp đội thuộc đơn vị cấp phòng của công an một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là hết sức cần thiết.
Tiếp thu ý kiến, Thường trực UBQPAN đề nghị cho giữ lại quy định của Luật Cảnh vệ hiện hành để tạo sự thống nhất với các luật khác; đồng thời, bổ sung cán bộ, chiến sĩ cảnh vệ thuộc đơn vị cấp phòng của công an tỉnh, thành do Bộ trưởng Bộ Công an quyết định thành lập căn cứ yêu cầu bảo vệ đối tượng cảnh vệ như tại khoản 11 Điều 1 của dự thảo Luật.
Về thành lập đội cảnh vệ ở công an địa phương khi có yêu cầu, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, cần viết rõ để các đại biểu Quốc hội hiểu rõ. Cụ thể, quy định lực lượng cảnh vệ thành lập ở bộ, khi cần mới thành lập đội cảnh vệ ở tỉnh, quân số lấy từ các đơn vị trong công an tỉnh.
"Đây không phải là lực lượng có biên chế chính thức, chỉ thành lập khi có yêu cầu, có thể lấy từ các lực lượng khác như giao thông, trật tự, bảo vệ an ninh…", ông Định nêu rõ.
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đánh giá các ý kiến thảo luận cơ bản nhất trí với các báo cáo của dự án luật và đề nghị UBQPAN tiếp tục phối hợp với cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, tiếp thu giải trình rõ hơn.
“Chỉ thành lập đội cảnh vệ thuộc phòng của công an tỉnh khi có yêu cầu nhiệm vụ cảnh vệ. Tôi biết Bộ Công an có ý tưởng như thế, tức là lập đội cảnh vệ khi có đối tượng cảnh vệ về địa phương chứ không phải một đội chuyên nghiệp. Vì vậy, cần nghiên cứu viết như thế nào cho phù hợp” – Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.