Mô hình vườn vải du lịch sinh thái chính là một kênh tiêu thụ nông sản tại chỗ rất hiệu quả. Đây cũng là một kênh tiêu thụ rất đặc biệt khi du khách đến có thể trực tiếp trải nghiệm và cảm nhận được chất lượng trong từng trái vải, cảm nhận được trách nhiệm cao của người nông dân.
Những mô hình độc đáo như vườn vải du lịch sinh thái sẽ giải quyết sự mù mờ cho các nhà phân phối nội địa, qua đó kết nối chuỗi tiêu thụ nông sản từ vườn tới hệ thống các siêu thị và trung tâm thương mại, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Ông Trần Văn Hành ở thôn Chão (Giáp Sơn, Lục Ngạn) là một trong những người tiên phong liên kết với doanh nghiệp xây dựng mô hình du lịch vườn vải thiều và bán vải nguyên cây ở địa phương cho du khách.
"Giữa tháng 3 mùa hoa vải thiều bung nở, vườn chính thức mở đón khách", ông khoe. Ông Hành liên kết với doanh nghiệp lữ hành, hàng ngày đón các đoàn khách vào vườn tham quan, chụp ảnh, cắm trại. Đích thân ông, hoặc hướng dẫn viên du lịch, sẽ kể tường tận về quy trình trồng và chăm sóc vườn để tạo ra quả vải thiều chất lượng cao.
Tính đến thời điểm này, vườn nhà ông đã đón hơn 2.000 lượt du khách đếm tham quan trải nghiệm. Ngoài ra, khách du lịch còn đặt mua hơn 10 cây vải trong vườn với giá từ 10-10,5 triệu đồng/cây.
"Mỗi cây vải thiều cho sản lượng từ 150-200kg, nhưng khách vẫn mua vì trân trọng quá trình người nông dân làm ra trái vải, muốn một lần tự tay hái quả chín ăn", ông nói.
Khách chốt mua xong, dưới gốc cây đều được cắm biển tên người sở hữu. Ngày trái chín, họ có thể lên vườn tự tay hái vải, hoặc ông thu hái và đóng thùng gửi tới địa chỉ khách yêu cầu.
"Tôi muốn làm nông nghiệp đa giá trị, không chỉ đơn thuần là trồng vải bán quả mà bán cả câu chuyện trên đồi vải. Tôi đang trồng thử nghiệm loại vải thiều cho chất lượng đặc biệt, hướng tới phân khúc cao cấp", ông Hành tiết lộ.